ECB tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát

Trường Giang | 16:38 05/09/2022

Tỷ lệ lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 8 vừa qua đã tăng lên 9,1% - mức kỷ lục và cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.

ECB tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)

Sau khi tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ vào tháng 7 vừa qua, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẵn sàng đưa ra mức tăng mạnh tiếp theo vào ngày 8/9 tới nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng vọt.

Trong tháng 8, tỷ lệ lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên 9,1%, mức cao kỷ lục mới và cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra.

Chính điều này đã làm tăng sức ép đối với ECB trong việc nâng lãi suất.

Giá năng lượng tăng mạnh sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây áp lực đối với các hộ gia đình và khiến giá tiêu dùng tăng lên những mức cao mới.

Kể từ đầu năm 2022, giá năng lượng, đặc biệt là giá khí đốt, giá điện và giá dầu, cùng giá lương thực đã tăng mạnh tại châu Âu.

Cụ thể, giá khí đốt đã tăng hơn 170%, giá điện tại một số thị trường tăng gần 2.700%, còn giá dầu tăng gần 30%.

Giá các mặt hàng nông sản cũng tăng mạnh kể từ khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraine.

Nga và Ukraine nằm trong số những nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, do đó giá lương thực đã phản ứng trước sự không chắc chắn về nguồn cung.

Tuy nhiên, với những diễn biến thời gian qua, giá lúa mì đã hạ nhiệt với mức tăng 6,3% kể từ đầu năm.

Đối mặt với tình trạng lạm phát cao ở thời điểm hiện tại, chuyên gia Carsten Brzeski thuộc ngân hàng ING (Hà Lan) cho biết, "vấn đề duy nhất" đối với cuộc họp sắp tới của ECB là sẽ tăng lãi suất 50 hay 75 điểm cơ bản.

Bên cạnh đó, Một thành viên trong ban lãnh đạo ECB, bà Isabel Schnabel, cho rằng ECB cần thể hiện quyết tâm kiềm chế tình trạng giá cả phi mã hiện nay.

Theo bà, với cách tiếp cận này, ECB sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với tình trạng lạm phát hiện nay ngay cả khi có nguy cơ tăng trưởng thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Trên thị trường giao dịch sáng 5/9, đồng euro giảm giá 0,3% so với đồng USD xuống 0,9918 USD đổi 1 euro và có thể chạm mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua là 0,99005 USD.

Hiện tại, nhiều nước châu Âu đã triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đức đã thông báo kế hoạch chi 65 tỷ euro để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp, trong khi Phần Lan và Thụy Điển đưa ra những biện pháp nhằm bảo đảm khả năng thanh khoản để duy trì hoạt động của các công ty năng lượng.

Không chỉ khu vực châu Âu, các ngân hàng trung ương của Canada và Australia cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tuần này.

Các nhà đầu tư cũng cho rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất khoảng 75 điểm cơ bản trong tháng này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
ECB tiếp tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO