Theo đánh giá của Phòng Thương mại Quốc tế ICC, Việt Nam là một quốc gia có năng suất và chất lượng trái cao nhất trên thế giới. Hiện tại, ngành dừa Việt Nam có vị trí quan trọng trên thế giới với diện tích trên 188 nghìn ha. Diện tích dừa Việt Nam chiếm 1,67% diện tích trên thế giới, 2,07% diện tích dừa châu Á. Nếu như năm 2010, diện tích dừa Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới thì đến năm 2021, diện tích dừa Việt Nam đã xếp thứ 5 trên thế giới.
Dừa là một loại cây trồng có giá trị và đa dụng vì có thể sử dụng trong công nghiệp chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau từ các bộ phận của cây dừa. Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân.
Bến Tre được xem là thủ phủ dừa của cả nước, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến cuối năm 2022, tổng diện tích dừa của tỉnh hơn 78.000 ha, tăng 768 ha, diện tích đang cho trái là hơn 71.400 ha, với tổng sản lượng ước khoảng 688 triệu trái/năm. Hiện các sản phẩm từ dừa Bến Tre đã xuất qua hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn các sản phẩm của ngành chế biến dừa có giá trị gia tăng cao như: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa đóng hộp, nước dừa đóng hộp, dầu dừa tinh khiết, mỹ phẩm từ dừa...
Năm qua, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Nếu thống kê cùng các nhóm sản phẩm khác sử dụng nguyên liệu từ dừa thì ngành này có thể đã vào nhóm xuất khẩu tỷ đô. Năm 2023, ngành dừa phấn đấu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD.
Cấp 'visa' cho dừa Việt
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), vừa qua Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ đã gửi thư tới Cục Bảo vệ thực vật thông báo về chương trình nghị sự và mời phái đoàn của Cục Bảo vệ thực vật tham gia cuộc họp song phương về sức khỏe cây trồng năm 2023. Trong đó Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ cũng thông báo về việc Mỹ mở cửa thị trường với quả dừa Việt Nam sang thị trường này.
Kết quả đánh giá cho thấy, quả dừa Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể. Vào ngày 7/8, APHIS đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến Yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (ACIR) để phê duyệt việc nhập khẩu dừa non Việt Nam, đã tách ít nhất 75% (3/4) phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.
Theo Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sang Mỹ “ngay lập tức”.
Trong tháng 8 vừa qua, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng sang kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi ở nước ta có nhu cầu xuất khẩu chính ngạch để làm căn cứ cho việc ký kết nghị định thư giữa hai quốc gia. Trung Quốc hiện có nhu cầu tiêu thụ lượng lớn dừa tươi nhưng vùng trồng ở đảo Hải Nam chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Việc mở cửa thêm thị trường Mỹ và sắp tới là Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu dừa của Việt Nam sớm cán mốc tỷ USD.
Tiềm năng của ngành dừa rất lớn, Hiệp hội Dừa thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành đến năm 2025 có thể đạt bình quân 10%/năm. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao như: kem dừa tăng 36%/năm, nước dừa tăng 25%/năm, dầu dừa tinh khiết tăng 21%/năm, sữa dừa tăng 15%... do người tiêu dùng có xu hướng tăng sử dụng các sản phẩm lành mạnh có nguồn gốc từ thực vật.
Dừa là một loại trái cây quen thuộc ở vùng nhiệt đới. Nghiên cứu cho thấy nước dừa có nhiều vitamin C, sắt, photpho, kali, magie, natri, lipid, protein, đường, các chất khoáng... Cùi dừa cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.