“Đứng ngồi” không yên khi lãi suất cho vay tăng

Dương Trang | 12:15 05/12/2022

Lãi suất cho vay vọt lên rất cao, nhiều doanh nghiệp than phiền phải vay với mức lãi suất 15-16%/năm.

“Đứng ngồi” không yên khi lãi suất cho vay tăng
Lãi suất cho vay tín chấp, thế chấp của nhiều ngân hàng tăng. (Ảnh: Int)

Sau khi điều chỉnh mức lãi suất huy động các Ngân hàng cũng đồng thời điều chỉnh lãi suất cho vay cá nhân.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân tín chấp ở một số ngân hàng lên đến 24%/năm và thế chấp 9,9%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao trong thời điểm khó khăn này.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Đống Đa, Hà Nội), hồi tháng 6/2022 mua nhà trong một dự án ở Long Biên vay của chủ đầu tư 2 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 18 tháng bằng 0. Tuy nhiên đến tháng 1/2023 bà bắt đầu phải trả lãi suất thả nổi, hiện mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao khiến bà “đứng ngồi không yên”.

Bà Mai cho biết: khi vay để mua nhà thời điểm cuối năm 2020 lãi suất cho vay khoảng 10%, nhân viên môi giới tư vấn đến thời hạn trả lãi suất cũng không thể vượt 11% được.

“Tình hình kinh tế có nhiều thay đổi, mặt bằng lãi suất cho vay 10% không còn mà phải cộng thêm biên độ chắc chắc sẽ tăng lên 13-14%”, bà Mai than thở.

Ông Nguyễn Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) chia sẻ: hồi cuối năm 2021 xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ của gia đình khó khăn bởi dịch Covid, gia đình đã vay ngân hàng với lãi suất 11%/năm. Tuy nhiên ngân hàng đã gửi thông báo lãi suất cho vay bắt đầu tăng từ tháng 1/2023 thêm 3,5%/năm trong khi đó hàng làm ra vẫn rất ế, tồn kho nhiều.

Theo ghi nhận của MarketTimes mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân tháng cuối năm đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, lãi suất của Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) cho vay tín chấp từ 8,4-25,2%/năm, thế chấp 6-8%/năm; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tín chấp 15,6-20,4%, thế chấp 6-9%; Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) cho vay tín chấp 15%, thế chấp 5,99-7,5%.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lãi suất vay tín chấp 13,3%/năm, thế chấp 7,7-7,8%; Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) tín chấp 9,6%, thế chấp 7,7-8,5%; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam vay tín chấp 15%, thế chấp 7,7-8,4%; Ngân hàng Quân đội (MB) vay tín chấp 12,5-20%/năm, thế chấp 7,49-9,5%.

Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP. HCM vay tín chấp 24%, thế chấp 6,8%; Ngân hàng TMCP Quốc tế ViệtNam (VIB) vay tín chấp 17%, thế chấp 8,3%; Ngân hàng Phương Đông (OCB) vay tín chấp 21%, vay thế chấp 5,99%; Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) lãi suất vay tín chấp 19%, thế chấp 9,2%. Lãi suất vay thế chấp cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Nam Á 9,9%/năm.

Mặc dù lãi suất tăng mạnh nhưng việc vay vốn cuối năm cũng không dễ với các khách hàng muốn vay mới, đặc biệt trong bối cảnh room tín dụng hạn hẹp, một số nhà băng thậm chí cạn dư địa.

Mới đây, một số ngân hàng hạ lãi suất cho vay, nhiều khách hàng mong chờ đến lượt ngân hàng mình vay cũng hạ lãi suất để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả nên khả năng trả nợ là rất chật vật.

Tuy nhiên, việc giảm này chỉ tới hết tháng 12 chứ chưa có kế hoạch cho năm 2023. Các khách hàng đang "gồng mình" trả lãi ngân hàng hy vọng lãi vay sẽ được giảm trên diện rộng và được kéo dài thời gian giảm lãi.

Hiện nhiều phòng giao dịch các ngân hàng ồ ạt treo biểu quảng cáo lãi suất gần 10%/năm thu hút người gửi tiền, đặc biệt các ngân hàng tư nhân. Mức này dưới dạng niêm yết chính thức hoặc chương trình ưu đãi, nhưng cũng không đòi hỏi số tiền gửi quá lớn.

Trong báo cáo mới đây của một công ty chứng khoán, so với thời điểm đầu năm, lãi suất huy động đã tăng 2% ở các ngân hàng quốc doanh lớn và tăng 3-4% ở các ngân hàng tư nhân. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động đã quay về thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay vọt lên rất cao, nhiều doanh nghiệp than phiền phải vay với mức lãi suất 15-16%/năm.

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, nhiều khách hàng đến giai đoạn phải trả lãi vay mức lãi suất mới, đặc biệt sang năm 2023 đa số các hợp đồng vay từ trước phải trả tăng lên. Doanh nghiệp và người dân vay ngân hàng cần tính đến cơ cấu lại tài sản, khoản vay để giảm bớt số gốc và lãi, đảm bảo cho tài chính của gia đình, doanh nghiệp ổn định.


(0) Bình luận
“Đứng ngồi” không yên khi lãi suất cho vay tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO