Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024: Lạc quan một cách thận trọng

Minh Trang ghi | 13:54 12/02/2024

"Diễn biến kinh tế toàn cầu năm 2024 tiếp tục khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn tận dụng được cơ hội cũng như hoá giải các thách thức với kỳ vọng có sự phục hồi của khu vực bên ngoài và các động lực tăng trưởng trong nước, tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2023".

Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024: Lạc quan một cách thận trọng
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam với MarketTimes nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn.

MarketTimes: Năm 2023 các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam trải qua một năm đầy khó khăn, mặc dù Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, nhưng nhìn vào số liệu tăng trưởng năm vừa qua ông có đánh giá như thế nào?

Ông Nguyễn Bá Hùng: 2023 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 12/2023 mới công bố gần đây, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 5,2% trong năm nay, giảm từ mức dự báo 5,8% trước đây. Sự điều chỉnh này là do các bối cảnh bên ngoài và bên trong đã có sự thay đổi ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Về bên ngoài, nhu cầu toàn cầu suy yếu, bao gồm cả sự phục hồi chậm ở Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu, địa chính trị gia tăng căng thẳng làm gián đoạn dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu. Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những cơn gió ngược ngày càng mạnh hơn.

Bất chấp những thách thức này, Việt Nam đã khéo léo điều hướng các chính sách giảm nhẹ như chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt kết hợp với chính sách tài khóa thận trọng, đẩy mạnh đầu tư công và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá cả, duy trì tăng trưởng kinh tế và việc làm. Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ và các doanh nghiệp trong năm 2023.

MarketTimes: GDP của Việt Nam có đóng góp rất lớn của xuất khẩu và sản xuất, nhắc đến sự tăng trưởng của lĩnh vực này trong thời gian tới ông sẽ nói điều gì?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Những số liệu thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 11/2023, xuất khẩu của Việt Nam giảm khoảng 6% trong khi nhập khẩu giảm trên 10%, khiến kim ngạch thương mại tổng thể giảm 8,3%. Mặc dù điều này dẫn đến thặng dư thương mại khá lớn, gần 26 tỷ USD, nhưng có nghĩa là các đơn đặt hàng vẫn ở mức khiêm tốn và vì thế việc làm trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo để xuất khẩu vẫn chưa phục hồi.

Thị trường toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn 2023- 2024. Tuy nhiên, đây cũng có thể được coi như một cơ hội để Việt Nam vươn lên tăng cường năng lực cạnh tranh, tham gia sâu và rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp chính sách chủ động mở rộng tiếp cận thị trường xuất khẩu với các đối tác thương mại của Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện nhiều hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia.

Có lẽ ngành sản xuất và lĩnh vực bất động sản đang rất thiếu nguồn vốn để làm vì đây chính là động lực chính để tăng trưởng GDP, trong khi đó tăng trưởng tín dụng cho đến cuối tháng 11/2023 mới đạt 8,38%.

MarketTimes: Vậy đâu là "điểm nghẽn" của dòng vốn này, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Về diễn biến thị trường tín dụng, chúng ta ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng còn khá xa so với mục tiêu khoảng 14%. Điều đáng nói nhất là cầu tín dụng yếu, thể hiện tình trạng khó khăn của nền kinh tế nói chung. Tôi cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì cầu tín dụng còn yếu là điều hợp lý.

Về phía nguồn cung tín dụng, chúng ta cũng nhận thấy mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể, thanh khoản trong hệ thống dồi dào, nhưng bên cho vay vẫn phải bảo đảm các chuẩn mực thẩm định để quản trị rủi ro và khi kinh tế khó khăn thì các yếu tố rủi ro cũng tăng lên.

Về phía ngân hàng thì chuyện thừa tiền là có thật như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định. NHNN cũng đã điều hành hỗ trợ thanh khoản của hệ thống một cách linh hoạt để tăng nguồn cung tín dụng đáp ứng nhu cầu về vốn của nền kinh tế. Dù lãi suất cho vay đã hạ, các ngân hàng đang chờ các doanh nghiệp đến vay nhưng nhiều doanh nghiệp không mặn mà. Điều này một mặt phản ảnh những sụt giảm trong sản xuất, kinh doanh, do đơn hàng thiếu vì nhu cầu trong nước và nước ngoài đều giảm. Một khi cầu thương mại, đầu tư và tiêu dùng đều thấp thì khó có thể nói đến tăng trưởng tín dụng.

Về phía doanh nghiệp cần vốn muốn vay nhưng không đáp ứng được các tiêu chí về năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng hoàn vốn thì sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn. Trong khi đó, vì lý do an toàn, ngân hàng không thể giảm các điều kiện cho vay theo chuẩn Basel 3 và Basel 4. Ngân hàng vẫn chờ các dự án khả thi để cho vay.

Trong bối cảnh này, tác động cần thiết trước mắt là kích cầu nội địa, tháo gỡ khó khăn trong môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi. Điều này sẽ khuyến khích cầu tín dụng, từ đó tăng trưởng tín dụng tích cực hơn.

MarketTimes: Ông dự báo như thế nào về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024, lĩnh vực nào sẽ là động lực chính cho tăng trưởng?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Bước sang năm 2024, dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu, tăng trưởng chậm hơn năm 2023. Vì thế, khó khăn thách thức sẽ lớn hơn đối với nền kinh tế có độ mở lớn và định hướng xuất khẩu như Việt Nam. Tuy nhiên, ADB vẫn lạc quan một cách thận trọng về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.

Trong báo cáo công bố mới đây, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% trong năm 2024, với kỳ vọng có sự phục hồi của khu vực bên ngoài và các động lực tăng trưởng trong nước sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2023.

Động lực quan trọng là sự ổn định kinh tế vĩ mô thận trọng nhờ tiếp tục các chính sách tài chính và tiền tệ chủ động được áp dụng từ năm 2023, nhưng chỉ điều này thôi thì chưa đủ. Đầu tư công, tiêu dùng nội địa và phục hồi xuất khẩu là 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Là biện pháp kích thích tài khóa, đầu tư công cần được ưu tiên đẩy mạnh trong thời gian tới. Việt Nam vẫn còn dư địa về tài khóa khi nợ công đang được kiểm soát tốt ở khoảng 38% GDP tính đến cuối năm 2022. Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm tiếp tục hỗ trợ các ngành công nghiệp, xây dựng đồng thời mang lại cơ hội việc làm nhiều hơn nữa.

Tiêu dùng trong nước có thể được thúc đẩy nhờ nhu cầu gia tăng từ các biện pháp tài khóa, được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp để giữ lãi suất ở mức tương đối thấp. Chính sách phối hợp có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả, có tính đến sự ổn định tương đối về giá và nhu cầu yếu. Trong ngắn hạn, chính sách tiền tệ cần mang tính hỗ trợ và mở rộng chính sách tài khóa. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải phối hợp chặt chẽ với thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy các hoạt động kinh tế một cách hiệu quả hơn.

Năm 2024, những thách thức, rủi ro từ bên ngoài sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Để ứng phó một cách có hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi thương mại, Việt Nam cần tiếp tục các cải cách cơ cấu để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm bớt các chi phí kinh doanh, giảm bớt những hạn chế về nguồn cung, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tăng trưởng xanh để bắt kịp với các yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lớn.

MarketTimes: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024: Lạc quan một cách thận trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO