Nền kinh tế trong nước trụ vững nhờ 4 yếu tố
Trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế thế giới, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) vào tháng 4 năm 2023 đã hạ xuống còn 5,8% cho năm 2023 (từ mức 6,5%) và 6,0% cho năm 2024 (từ mức 6,8%).
Lạm phát được kỳ vọng giảm nhẹ so với dự báo trong tháng 4, do giá cả hàng hóa trong nước ổn định giúp chỉ số giá tiêu dùng tăng lên mức 3,8% trong năm 2023 và 4,0% trong năm 2024.
Nhận định về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam chia sẻ: “Nhu cầu bên ngoài yếu, sự phục hồi chậm chạp tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.”
Ở trong nước, sự phục hồi của du lịch nội địa giúp tiêu dùng tăng 2,7% trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, đầu tư vẫn giảm trong nửa đầu năm 2023 do tổng tích lũy tài sản cố định giảm còn 1,2% so với mức 3,8% một năm trước đó.
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 10 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, bằng mức của năm trước. Tuy nhiên, cam kết vốn FDI trong nửa đầu năm 2023 ước tính đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước do những căng thẳng địa chính trị và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt. Nhu cầu bên ngoài yếu khiến thương mại suy giảm, hạn chế mức tăng trưởng chung.
Chính sách tiền tệ linh hoạt giúp kinh tế dần phục hồi
Theo các chuyên gia tại ADB, trong 8 tháng đầu năm, áp lực lạm phát giảm nhẹ nhờ giá dầu giảm và tỷ giá hối đoái ổn định. Mặc dù lạm phát chung đạt mức trung bình 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản (loại bỏ tác động của các yếu tố tạm thời) vẫn ở mức cao 4,6%.
Tăng trưởng thấp và lạm phát ở mức vừa phải dẫn đến việc chính phủ theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng. Trong tháng 6 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản, đây là lần điều chỉnh lãi suất điều hành thứ tư trong năm nay.
Ngoài ra, để hỗ trợ những khách hàng gặp khó khăn, vào ngày 23 tháng 4 năm 2023, ngân hàng trung ương đã cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ các khoản vay kinh doanh và tiêu dùng và giữ nguyên nhóm nợ cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2024.
Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng vẫn yếu, phản ánh những khó khăn của nền kinh tế thực. Tăng trưởng tín dụng ước đạt 9,3% trong nửa đầu năm 2023, so với mức tăng trưởng 16,8% của cùng kỳ năm trước. Tổng phương tiện thanh toán giảm còn 5,3% trong nửa đầu năm 2023 từ mức 9,2% cùng kỳ năm trước.
“Chính sách tiền tệ linh hoạt cùng với việc thay đổi lãi suất điều hành thích ứng và tỷ giá hối đoái ổn định đã giúp nền kinh tế dần phục hồi. Đồng Việt Nam mất giá 1,0% so với USD trong nửa đầu năm 2023”, ADB nêu.
Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ABD cho rằng thị trường này đang bị thu hẹp do những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản. Tâm lý thị trường đã phần nào ổn định do các quy định được sửa đổi kịp thời và các chính sách hoãn trả nợ, gồm cả tái cơ cấu trái phiếu. Tuy nhiên, lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu bất động sản đã sụt giảm đáng kể.
Dư nợ trái phiếu có vấn đề so với tổng tín dụng ngân hàng là tương đối nhỏ, nhưng những bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thể gây hiệu ứng lan tỏa sang khu vực ngân hàng.
Để giúp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, NHNN đã cho phép các ngân hàng mua lại trái phiếu chưa niêm yết có xếp hạng nội bộ cao nhất mà không cần phải chờ một năm sau khi bán. NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở.