Dự báo doanh thu phí bảo hiểm đạt 256.000 tỷ đồng trong năm 2022

Hoàng Đàn | 13:53 16/02/2022

Dự báo, năm 2022 doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22-24% so với năm 2021. Trong khi mảng phi nhân thọ đạt 8%-10% so với năm 2021, mức này vẫn thấp hơn mức trước Covid. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỷ đồng, tăng 18-20% so với năm 2021.

Dự báo doanh thu phí bảo hiểm đạt 256.000 tỷ đồng trong năm 2022
Ước tính các yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng nhiều hơn vào lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022.

Dự báo trên vừa được Công ty Chứng khoán SSI vừa đưa ra. Theo SSI, số liệu của Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm 2021 ước tính đạt 215.000 tỷ đồng, thấp hơn năm 2020 và mức trước Covid.

Các công ty bảo hiểm mạnh về mảng bán buôn giành thêm thị phần. Trong khi mảng bán lẻ (bảo hiểm tai nạn con người, xe máy) chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Mảng thương mại (bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa, hàng hải,…) tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, sau nhiều năm trầm lắng, dòng bảo hiểm thương mại tăng trưởng khá một phần là xuất phát từ giá hàng hóa và cước phí vận chuyển tăng, dẫn đến số tiền bảo hiểm làm căn cứ để tính doanh thu phí bảo hiểm gia tăng.

Một số công ty bảo hiểm bán lẻ (BVGI, PTI, PGI) đã mất thị phần trong năm. Ngược lại, PVI đã rút ngắn khoảng cách với BVGI trong năm 2021 và thứ hạng có thể sẽ tiếp tục thay đổi trong 2022 nếu xu hướng này tiếp diễn trong những quý tới.

Trong năm qua, để thích ứng trong giai đoạn giãn cách xã hội, các công ty bảo hiểm đã tìm cách đa dạng hoá và gia tăng kênh phân phối. Việc hợp tác với các công ty thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada), Fintechs (Grab, Momo), và Insurtechs đã trở nên phổ biến hơn trong 2021.

Ngoài ra, việc phát triển kênh bán hàng online cũng đã có được căn cứ pháp lý rõ ràng hơn khi Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đã được hợp pháp hoá: đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 theo Nghị định 03) và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có hiệu lực từ ngày 23/12/2021 theo Nghị định 97).

Các yếu tố này mặc dù chưa tác động đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận bảo hiểm trong 2021, do nhu cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch nhưng có thể mở đường cho sự hồi phục mạnh mẽ hậu Covid.

Báo cáo của SSI cho biết, năm 2022, với việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm có thể kỳ vọng các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phuc tốt trong năm. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22-24% so với năm 2021.

Trong khi mảng phi nhân thọ đạt 8%-10% so với năm 2021 và mức này vvẫn thấp hơn mức trước Covid. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỷ đồng, tăng khoảng 18-20% so với năm 2021.

Ngoài động lực chính đến từ nhu cầu được phục hồi, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm có thể đến từ các yếu tố mới như: Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (E-insurance) cũng sẽ dần được hợp pháp hoá cho các sản phẩm bảo hiểm khác khác (bảo hiểm sức khỏe, tài sản thiệt hại, hàng hóa). Do đó, bán hàng qua kênh trực tuyến cũng sẽ dần được đẩy nhanh; Sự hợp tác với các công ty insurtech để tăng cường đổi mới cải tiến trong việc phân tích big data cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai.

SSI dự báo, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (UW) có thể giảm từ mức nền cao trong 2021 do có hai nhóm yếu tố đối nghịch tác động.

Yếu tố kém tích cực là việc hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ khó có thể lặp lại trong năm 2022. Do đó, tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường trong năm 2022.

Ngược lại, yếu tố tích cực đến từ việc sử dụng Cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các thông tin đăng ký xe cơ giới, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, lịch sử tai nạn giao thông có thể giúp các công ty bảo hiểm phân loại khách hàng tốt hơn. Trong khi đó, Nghị định 03 cũng cho phép công ty bảo hiểm tăng phí tối đa 15% so với mức Bộ Tài chính quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình. Điều này giúp các công ty bảo hiểm có thể tăng phí đối với các hợp đồng có rủi ro cao hơn thay vì áp dụng giá tương đương với tất cả các hợp đồng như trước đây.

Ngoài ra còn yếu tố bất ngờ có thể đến từ sự thành công của kênh bán hàng online với những thay đổi về quy định (giấy chứng nhận điện tử). Nếu doanh thu kênh online tăng mạnh, chi phí trung gian (cho đại lý, môi giới) có thể được tiết giảm dần dần.

Ước tính các yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng nhiều hơn vào lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022. Trong khi đó, các yếu tố tích cực cần thời gian để phản ánh vào lợi nhuận các công ty bảo hiểm. Đối với riêng Bảo hiểm Bảo Việt, sự kỳ vọng đến từ chi phí dự phòng toán học được kiểm soát tốt nếu lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng 50 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ trong 2022 và qua đó hỗ trợ lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Liên quan đến khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư, SSI cho rằng, mặc dù lãi suất huy động giảm trong 2020-2021 và tài sản quản lý tăng nhẹ từ 6%-8% so với cùng ký năm trước, lãi từ hoạt động đầu tư tăng 27% và 16% tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong kỳ.

Điều này là do lãi thực hiện từ các khoản đầu tư cổ phiếu và hoàn nhập chi phí dự phòng. Như đối với Bảo hiểm Bảo Việt, thu nhập từ hoạt động đầu tư hưởng lợi từ thị trường chứng khoán trong 2020 là 36% so với cùng kỳ và trong năm 2021 tăng 1% so với cùng kỳ.

Năm 2022, lãi từ hoạt động đầu tư sẽ tăng 8%-10% đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ do lãi suất huy động tăng nhẹ 20-25 bps, trong khi lãi thực hiện từ đầu tư cổ phiếu hay hoàn nhập dự phòng không nhiều do mức nền so sánh cao trong 2021.

Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2022 chậm lại đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ do mức so sánh cao trong 2021. Duy chỉ Bảo hiểm Bảo việc dự báo tăng trưởng tương đối tốt với khoảng 21% so với năm 2021 do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể cải thiện nhờ mức tăng chậm lại của chi phí dự phòng toán học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dự báo doanh thu phí bảo hiểm đạt 256.000 tỷ đồng trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO