Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO Group và doanh nhân Đoàn Văn Bình dự kiến doanh thu 10.000 tỷ đồng nhưng tự ý làm đường ống dẫn nước từ rừng về sử dụng

Bảo Châu - Quang Minh | 06:00 09/07/2024

Được quảng bá là khu đô thị 5 sao, đẳng cấp hàng đầu tại Quảng Ninh, nhưng mới đây Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City thuộc Tập đoàn CEO Group của doanh nhân Đoàn Văn Bình bị tố tự ý làm đường ống dài hàng km để dẫn nước trên rừng về sử dụng.

Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO Group và doanh nhân Đoàn Văn Bình dự kiến doanh thu 10.000 tỷ đồng nhưng tự ý làm đường ống dẫn nước từ rừng về sử dụng

Tự ý lấy nước rừng về sử dụng

Giữa tháng 4/2024, Tập đoàn CEO Group (mã cổ phiếu CEO) đã đưa vào vận hành tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng tại dự án Sonasea Vân Đồn, đánh dấu bước ngoặt lớn trong tiến độ triển khai dự án trọng điểm này.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2024, người dân khu vực phát hiện, một đường ống cỡ lớn dài hàng km được kéo từ Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City vào sâu trong rừng thuộc địa bàn xã Hạ Long, với mục đích lấy nước về sử dụng.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, có một hồ chứa được xây để gom nước từ những khe, suối nhỏ rồi chảy xuống qua các ống dẫn. Tại đây còn có hệ thống thông khí để nước chảy không bị tắc, không có đồng hồ tính lượng nước.

Đường ống dẫn nước đi xuyên rừng, tới tỉnh lộ 334 được hạ ngầm, rồi dẫn thẳng về bể chứa của khu đô thị. Bên cạnh bể chứa là một khu nhà với đầy đủ máy bơm và lọc nước.

w-z5423922926854-d3328fe6205cec69230c5d4b7eea70f9-3562.jpg
Trong rừng của xã Hạ Long có khu vực gom nước suối, khe vào đường ống dẫn về khu đô thị, tại đây không có đồng hồ đo lượng nước 

Trao đổi về việc cấp nước sạch cho dự án, lãnh đạo Xí nghiệp nước Vân Đồn cho biết: Nhiều tháng trước, Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City có đấu nối đường ống trực tiếp với xí nghiệp để mua nước sử dụng. Việc khu đô thị này tự ý làm đường ống lấy nước trên rừng từ lúc nào, Xí nghiệp nước Vân Đồn không hề hay biết.

Theo lãnh đạo Xí nghiệp nước Vân Đồn, hệ thống đường ống nước mà khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City tự ý lắp đặt là loại ống D10. Trong nhiều tháng tự lý lắp đặt đường ống, lượng nước từ khe, suối được lấy rất nhiều.

"Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City có đấu nối đường ống để mua nước từ xí nghiệp nhưng lượng sử dụng rất ít. Còn nước tự ý lấy từ trên rừng về, họ bảo để phục vụ tưới cây. Chúng tôi lo ngại, nếu xảy ra việc gì liên quan đến chất lượng nước, họ lại đổ lỗi cho xí nghiệp", vị lãnh đạo nói.

w-z5423933610718-180a5f492af6655ffb5d1ae6cd6f03af-3565.jpg
Sonasea Vân Đồn Harbor City tự ý lấy nước trên rừng sử dụng khi chưa được cho phép

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho hay sau khi nhận phản ánh đã giao cho Phòng TN&MT phối hợp với UBND xã Hạ Long để lập đoàn kiểm tra, làm rõ việc Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City tự ý lấy nước trên rừng về sử dụng. Hiện khu vực lấy nước này đã được tạm dừng hoạt động, giữ nguyên hiện trạng để cơ quan chức năng kiểm tra và sẽ có thông tin cụ thể.

Dự án lấn biển với 3 lần "đổi chủ", tăng diện tích từ 100ha lên 358ha

Theo tìm hiểu của MarketTimes, dự án 5 sao Sonasea Vân Đồn Habor City đến nay đã 3 lần đổi chủ từ Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ đến Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bảo Nguyên và cuối cùng về tay Tập đoàn CEO Group của doanh nhân viết sách Đoàn Văn Bình. Sau mỗi lần thay đổi, dự án ngày càng được mở rộng thêm.

Tìm hiểu thêm về lộ trình từ 100ha lên tới 358ha, hồ sơ dự án cho thấy, ban đầu Công ty TNHH Công nghệ Việt Mỹ làm chủ đầu tư dự án với tên gọi khu du lịch sinh thái Bái Tử Long.

Cụ thể, tại Quyết định số 1169/QĐ-UBND ngày 11/4/2007 của UBND tỉnh và Quyết định số 29/TNMT ngày 25/10/2006 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Thời điểm đó, dự án có quy mô 100ha.

Sau 8 năm triển khai ì ạch, đến năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý cho Công ty Công nghệ Việt Mỹ chuyển nhượng đất dự án và tài sản gắn liền với đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bảo Nguyên.

Trong đó chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê khu 1 gồm 23,8 ha và khu 2 là 28,1ha cho Công ty Bảo Nguyên với yêu cầu công ty triển khai giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại tại khu 2 và khu 4, lập điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị Cái Rồng và lập điều chỉnh lại dự án đầu tư trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh.

Sau đó, Công ty Bảo Nguyên đã chia dự án thành 4 khu và điều chỉnh quy hoạch. Tính đến thời điểm năm 2017, khu 1 đã xây dựng cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình, khu 2 và khu 4 đang giải phóng mặt bằng, khu 3 đang xây dựng các hạng mục chính.

Đến giữa năm 2017, Công ty Bảo Nguyên đã chuyển nhượng lại dự án lại cho Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã chứng khoán: CEO).

Sau khi về tay CEO Group, dự án được đổi tên thành Sonasea Vân Đồn Harbor City. CEO Group tiếp tục đề xuất tỉnh Quảng Ninh tăng quy mô đất làm dự án lên tới 358ha với định hướng phát triển khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và đô thị nhà ở.

Theo đó, Sonasea Vân Đồn Harbor City có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng đồng và CEO giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn là công ty thành viên của CEO Group có vốn điều lệ 300 tỷ đồng thực hiện dự án này.

Ngày 11/4/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City.

Đáng chú ý, đến tháng 8/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt phân khu 1 của dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City với diện tích 67ha với diện tích đất mặt nước là 9,67 ha. Trong đó, cơ cấu gồm 25.560m2 đất ở để xây nhà phố, đất thuê để xây khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng 195.442m2, còn lại 13.672m2 đất cây xanh công viên.

Cần xem xét lại ĐTM của dự án lấn biển Sonasea Vân Đồn Harbor City

Ngày 18/9/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3691/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho Dự án này với quy mô là 67 ha.

Tuy nhiên, căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 thì Dự án có lấn biển từ 20 ha trở lên, thẩm quyền phê duyệt Báo cáo tác động môi trường là của Bộ TNMT.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai dự án, tháng 11/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – phân khu 2 do công ty con của CEO Group làm chủ đầu tư.

Ngay sau đó, CEO đã có phản hồi liên quan đến quyết định trên của UBND tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Ninh là thủ tục của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – Phân khu 2 đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và ranh giới phát triển dự án.

Theo CEO Group, việc thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - phân khu 2 theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các công việc và bất kỳ quyền, lợi ích hợp pháp nào của các khách hàng/đối tác đang có giao dịch liên quan đến các sản phẩm tại dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City – Phân khu 1 phù hợp với các quy định của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn và quy định của pháp luật.

Ngày 20/4/2024, Tập đoàn CEO Group đã chính thức khai trương khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn đây là dự án nằm trong phân kỳ 1 của dự án Sonasea Vân Đồn Habor City.

Sonasea Vân Đồn Habor City kỳ vọng doanh thu 10.000 tỷ đồng: “Hoa sẽ nở và trái sẽ chín vào năm 2026”

Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS Research) đánh giá dự án Sonasea Vân Đồn sẽ tiếp tục đóng góp gần 10.000 tỷ đồng doanh thu cho CEO Group trong các năm tới nhờ Vân Đồn còn nhiều dư địa thu hút khách du lịch.

Theo kế hoạch, năm 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO Group sẽ tập trung phát triển các dự án trọng điểm là Sonasea Vân Đồn Harbor City (Quảng Ninh), Hana Garden City (Hà Nội) và Sonasea Residences (Kiên Giang).

Trong đó, dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City là dự án trọng điểm được CEO phát triển kể từ năm 2019 và bắt đầu được đưa vào kinh doanh từ năm 2020. Dự án có quy mô 358,5ha tọa lạc tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sản phẩm cung cấp ra thị trường gồm tòa nhà hỗn hợp, khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng, biệt thự, shophouse,...

Về tiến độ, phân khu Singapore Shoptel rộng 32.000m2 gồm 192 căn shophouse đã hoàn tất bàn giao trong giai đoạn 2021 - 2022. Từ cuối năm 2022, dự án bắt đầu bàn giao sản phẩm tại phân khu Wyndham Garden Sonasea rộng 86.000m2 gồm 182 căn villas và khách sạn 5 sao; phân khu Sonasea Silk Path rộng 86.000m2 gồm 340 căn shophouse.

Hiện tại, dự án đang nhận tiền cọc tại phân khu Premier Wyndham Garden Sonasea rộng 64.000m2 gồm 120 căn villas và đang triển khai hạ tầng phân khu Emirates Bay, Paradise Island & Grand Oceania rộng 192.000m2.

VCBS đánh giá dự án Sonasea Vân Đồn sẽ tiếp tục đóng góp gần 10.000 tỷ đồng doanh thu cho CEO trong các năm tới nhờ Vân Đồn còn nhiều dư địa thu hút khách du lịch và tháng 4 vừa qua, CEO đưa vào vận hành khách sạn Wyndham Garden Sonasea và khu vực bãi cát nhân tạo giúp cải thiện đáng kể cảnh quan và hệ thống tiện ích du lịch trong dự án.

du-an-sonasea-van-don-se-dem-ve-10_6643840e3a72b.jpg
Dự báo doanh thu và lợi nhuận gộp từ dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City. (Nguồn: VCBS)

Tuy nhiên, trong 1-2 năm tới, tốc độ bán hàng và khả năng thiết lập mặt bằng giá mới của dự án sẽ gặp khó khăn bởi việc chấm dứt thí điểm Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn và khó khăn của thị trường bất động sản đã khiến nhiều chủ đầu tư trên địa bàn tạm dừng triển khai dự án, những kỳ vọng thành lập đặc khu kinh tế và đợt sốt đất 2020 – 2021 đã đẩy mặt bằng giá tại Vân Đồn lên tương đối cao so với mức độ phát triển và khả năng khai thác cho thuê thực tế.

Nhân định về thị trường, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO Group cho rằng, lĩnh vực bất động sản Việt Nam sẽ cần phải tích luỹ, phục hồi, chờ cơ hội khởi sắc trở lại, sớm nhất là vào năm 2026. “Hoa sẽ nở và trái sẽ chín vào năm 2026”, ông Đoàn Văn Bình chia sẻ.

Liên quan đến hoạt động tài chính của Tập đoàn CEO Group cho thấy, hết quý 1/2024, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 289 tỷ đồng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng và chi phí tài chính của CEO trong kỳ giảm mạnh, trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng.

Lợi nhuận sau thuế trong quý 1 của doanh nghiệp đạt 35 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với quý 1/2023. Trong năm 2024, Tập đoàn đặt mục tiêu kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm đạt 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, như vậy tính đến quý 1, CEO mới chỉ đạt 14% doanh thu và 23% lợi nhuận.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của CEO Group đang ghi nhận ở mức 9.059 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 5.340 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 3.718 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp ở mức 1.442 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của CEO là 2.781 tỷ đồng, giảm 12,5% so với con số 3.178 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu đến từ nợ ngắn hạn là 2.034 tỷ đồng, còn nợ dài hạn là 747 tỷ đồng. Đối với vốn chủ sở hữu, tính đến cuối quý 1 CEO đạt 6.277 tỷ đồng.

Về lưu chuyển dòng tiền, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và dòng tiền hoạt động tài chính đang ở mức âm, lần lượt là âm 258 tỷ đồng và âm 247 tỷ đồng. Riêng dòng tiền từ hoạt động đầu tư là 595 tỷ đồng.

Đôi nét về "doanh nhân viết sách" Đoàn Văn Bình

Ông Đoàn Văn Bình là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn CEO Group. Ông Đoàn Văn Bình sinh ngày 02/06/1971 tại tỉnh Hà Nam.

Ông tốt nghiệp hệ cử nhân Kinh tế của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sĩ Luật tại trường Đại học Luật Hà Nội. Bên cạnh đó, ông còn có hai bằng Cử nhân Ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nga.

Ông Đoàn Văn Bình là Nhà sáng lập & Chủ tịch Tập đoàn CEO (CEO GROUP), sau 23 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn đã có 27 Công ty thành viên, được phát triển theo hệ sinh thái kinh tế gồm 5 lĩnh vực: Bất động sản, Bất động sản nghỉ dưỡng, Xây dựng, Du lịch và quản lý khách sạn, Phát triển nguồn nhân lực.

Ngoài ra, ông Đoàn Văn Bình còn được biết đến như một "doanh nhân viết sách" với nhiều ấn phẩm như: Pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2022.

Cuốn Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022 do chính ông chủ biên.

Chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch góp phần phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022 do TS. Đoàn Trung Kiên - PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến - TS. Đoàn Văn Bình (đồng chủ biên), 

Năm 2023, Luật sư, TS. Đoàn Văn Bình cũng ra cuốn Sách song ngữ Anh - Việt: Guidebook for foreigners to buying, leasing, investing real estate in Vietnam - Hướng dẫn người nước ngoài mua, thuê, cho thuê, đầu tư bất động sản tại Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Đến tháng 6/2024, ông Bình tiếp tục ra mắt cuốn sách "Thế giới trong mắt tôi".

Chưa dừng lại ở đó, ông Đoàn Văn Bình cũng có một số tác phẩm đáng chú ý như: Khách hàng "già và giàu"; "Tuyệt chủng" nhà ở bình dân; Tính toán lấn biển; Sang Tây ăn phở, Nhà ở xã hội: xây sao cho đủ?... đăng trên các báo và tạp chí trong nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của Tập đoàn CEO Group và doanh nhân Đoàn Văn Bình dự kiến doanh thu 10.000 tỷ đồng nhưng tự ý làm đường ống dẫn nước từ rừng về sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO