Năm 2023, Palmy Biztown từng được kỳ vọng trở thành tổ hợp thương mại - dịch vụ quy mô lớn trên tuyến đường Phan Trọng Tuệ, đường Nguyễn Xiển, Linh Đàm, quốc lộ 1A, Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tuy nhiên, sau đó Palmy Biztown đã có thời gian dài “án binh bất động” do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, làm chậm tiến độ triển khai.
Mới đây, chính quyền địa phương cùng Reatimes Holding - đơn vị đồng hành cùng chủ đầu tư vào cuộc tháo gỡ các rào cản pháp lý tồn đọng, hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Theo đó, hiện Palmy Biztown đã nhận được Quyết định số 189/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu thương mại dịch vụ HDB Thanh Trì của UBND Thành phố Hà Nội ngày 10/01/2025 và sẵn sàng gia nhập thị trường.
Được biết, Dự án Palmy Biztown được triển khai trên quy mô hơn 2ha, gồm 142 căn nhà thương mại liên kế, có diện tích từ 75,48 - 111m2/căn, được thiết kế theo phong cách kiến trúc tân cổ điển. Giá bán dự kiến các sản phẩm thấp tầng tại đây vào khoảng 200-250 triệu đồng/m2. Đây là nguồn cung thấp tầng gần như duy nhất tại khu vực phía Nam kể từ đầu năm 2025.
Câu chuyện pháp lý từ lâu đã được xem là “điểm nghẽn” lớn nhất cản trở đà phát triển của thị trường bất động sản. Những vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp phép, điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng... khiến nhiều dự án bị “đóng băng”, nguồn cung sụt giảm, thanh khoản sụt mạnh, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái bất động sản, từ người mua, nhà đầu tư cho đến doanh nghiệp phát triển dự án.
Theo thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), có tới hơn 70% khó khăn của thị trường bất động sản bắt nguồn từ vấn đề pháp lý. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đình trệ kéo dài tại hàng loạt dự án, khiến nguồn lực xã hội không được phát huy đúng mức và thị trường bị “gãy nhịp”.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đã đồng loạt vào cuộc, với nhiều giải pháp cụ thể và quyết liệt nhằm tháo gỡ “nút thắt” pháp lý. Việc sửa đổi, bổ sung các luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... đang góp phần định hình lại hành lang pháp lý, tạo tiền đề quan trọng để thị trường bước vào chu kỳ tăng trưởng bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Tại Hà Nội, công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các dự án bất động sản chậm tiến độ đã được triển khai trên diện rộng. Tính đến tháng 11/2024, thành phố đã rà soát 706 dự án, trong đó 420 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, 292 dự án đang tiếp tục được theo dõi và đôn đốc tiến độ sau khi được gia hạn thời gian thực hiện.