“Chỉ cần bỏ ra 10.000 đô la là sẽ được 730.000 cổ phần, sau khi “IPO” chỉ cần mỗi cổ phiếu có giá 1 đô la thì bạn đã có 730 ngàn đô la, nếu nó lên hơn 100 đô la như Airbnb thì…” đó là giấc mơ mà một nhà “nhà môi giới mua cổ phần công ty Skyway tại nước ngoài đang vẽ ra cho nhà đầu tư.
Theo đó, thời gian qua, trên các trang mạng, thông tin mời gọi đầu tư theo hình thức gọi vốn cộng đồng nhằm sở hữu cổ phần của một công ty nước ngoài có tên Skyway liên tục xuất hiện và đã thu hút không ít người tham gia.
Dù đã có nhiều thông tin cảnh báo về việc nhà đầu tư có thể “mất trắng” số tiền hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn đô la khi đăng ký trực tuyến, chuyển tiền vào tài khoản thanh toán quốc tế để nhận về chứng nhận điện tử về việc sở hữu cổ phần của skyway tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn tin theo khi được bảo chứng về sự hiện diện “người thật, việc thật” của Skyway tại Việt Nam.
Theo đó, vào tháng 5/2021, Công ty cổ phần Thịnh Phát -Group và nhiều kênh thông tin liên tục phát đi thông cáo về việc Thịnh Phát - Group và Tập đoàn Skyway chính thức thành lập Công ty TNHH Viettransnet tại Việt Nam.
Theo quảng bá, tại sự kiện trên, đại diện Công ty cổ phần Thịnh Phát -Group là ông Nguyễn Mạnh Hải- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và đại diện Công ty Sky world community thuộc Tập đoàn sản xuất công nghệ Skyway là ông Vladimir Maslov và ông Frantisek Solar đã thống nhất cùng hợp tác để nghiên cứu đầu tư hệ thống giao thông thông minh tại Cụm di tích lịch sử văn hoá chùa Lôi Âm thuộc phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, theo giới thiệu trên trang điện tử “skywayvn.com” thì “SkyWay đã hợp tác với Công ty cổ phần Thịnh Phát Group để tiến hành xây dựng dự án SkyWay tại chùa Lôi Âm, Quảng Ninh, thời gian khởi công xây dựng vào Quý II, 2022. Dự án xây dựng này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận theo văn bản số 4668/UBND-QH1”.
“Ăn theo” thông tin trên, trên các trang mạng, một số cá nhân cũng liên tục giới thiệu mời gọi tham gia đầu tư mua các gói cổ phần của Skyway với tỷ lệ chiết khấu hết sức hấp dẫn, có khi lên đến 1:500, tức mua 1 đô la nhưng được lượng cổ phần tương đương 500 đô la.
Trong khi đó, chia sẻ về Skyway, tại một sự kiện vào tháng 3/2022 ở Hạ Long, ông Nguyễn Mạnh Hải, Chủ tịch HĐQT Thịnh Phát Group cho biết doanh nghiệp hiện đang nắm 51% liên doanh Viettransnet và là đại diện phân phối công nghệ của Skyway tại Việt Nam và sẽ triển khai tại dự án cáp treo chùa Lôi Âm.
“Thịnh phát không bán cổ phần Skyway mà chúng ta đang đại diện phân phối công nghệ cho Skyway”, ông Nguyễn Mạnh Hải nói.
Liên quan đến dự án “trọng điểm” của Skyway tại Việt Nam, trên website của Công ty CP Thịnh Phát - Group (thinhphatgroup.vn) cũng thông tin, dự án cáp treo du lịch chùa Lôi Âm – Legacy Lôi Âm có tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, được khởi công vào quý II/2022, hoàn thành vào quý IV/2023, hiện dự án đã cơ bản hoàn thành xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, theo thông tin mà Markettimes có được đến nay, các căn cứ pháp lý mà - Thịnh Phát Group đưa ra gồm văn bản số 4668/UBND-QH1 ngày 29/6/2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh và Quyết định 720/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy dự án này mới chỉ dừng ở việc nghiên cứu, lập quy hoạch Tuyến cáp treo và Khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm.
Cụ thể, tại văn bản 4668/UBND-QH1, UBND tỉnh Quảng Ninh mới chỉ đồng ý chủ trương nghiên cứu bổ sung Tuyến cáp treo và Khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm, phường Đại Yên (TP. Hạ Long) vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau đó, tại Quyết định 720/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong nội dung định hướng quy hoạch giao thông tĩnh cũng chỉ nêu “Nghiên cứu, bố trí các tuyến cáp treo: Cáp treo kết nối giữa khu vực Bãi Cháy sang khu vực đồi Ba Đèo (Cáp treo Nữ hoàng), cáp treo lên chùa Lôi Âm, kết nối giao thông lên đỉnh núi Bài Thơ... để phát triển du lịch”.
Như vậy, có thể nói, chưa có căn cứ nào để xác nhận Thịnh Phát - Group được công nhận là chủ đầu tư của dự án đầu tư Tuyến cáp treo và Khu dịch vụ tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Lôi Âm. Việc các nhà đầu tư dựa vào thông tin hợp tác của Skyway và Thịnh Phát - Group để triển khai đầu tư hệ thống giao thông thông minh (cáp treo) tại Cụm di tích lịch sử văn hoá chùa Lôi Âm để quyết định “xuống tiền” mua cổ phiếu của Skyway là chưa có căn cứ xác đáng và có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho tài sản của mình.