Con số này thấp hơn số lượng 62 dự án không đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại do không có đất ở và không nhận chuyển nhượng toàn bộ đất như báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư trước đó.
Luật Nhà ở hiện nay quy định dự án phải có đất ở mới đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM đã gợi mở hướng xử lý tiếp theo cho những dự án này theo hai phương án là chuyển sang đầu tư nhà ở xã hội hoặc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Đây có thể được xem là lối thoát cho những dự án bế tắc nhiều năm nay nhưng đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho rằng thực hiện trên thực tế không phải dễ.
Đối với các dự án chuyển qua nhà ở xã hội, mặc dù doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ về chính sách nhưng phải chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.
Đối với những dự án vẫn theo đuổi mục tiêu triển khai nhà ở thương mại, doanh nghiệp buộc phải tham gia đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, đấu thầu lại không đảm bảo doanh nghiệp đang triển khai dự án đó sẽ trúng thầu. Trong trường hợp trúng thầu, doanh nghiệp sẽ mất thêm vài năm để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho dự án.
Chưa kể, dự án nào hiện đã bán hàng dưới hình thức góp vốn, đặt cọc thì doanh nghiệp phải đàm phán, trả lại tiền cho khách hàng. Việc thương lượng với hàng trăm khách hàng và chuẩn bị một khoản tiền lớn trong bối cảnh hiện nay không phải dễ.