Sự không chắc chắn xung quanh chính sách thương mại toàn cầu hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2018-2019 khi những xung đột giữa chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bắc Kinh lên đến đỉnh điểm. Hiện tại, xung đột chưa đến mức như vậy, song sẽ ngày càng trở thành tâm điểm chú ý hơn khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
Bất cứ ai thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, việc Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và khả năng bị trả đũa dường như là điều không thể tránh khỏi. Trung Quốc đã cảnh báo rằng động thái Châu Âu tham gia vào vòng xoáy thuế quan sẽ tạo thành một "cuộc chiến thương mại".
Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng thì nguy cơ này sẽ gia tăng đáng kể.
Chỉ số không chắc chắn liên quan đến chính sách.Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và thương mại xuyên biên giới bị thu hẹp có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng ở mọi nơi, nhưng Mỹ - siêu cường kinh tế và tiền tệ của thế giới – được đánh giá là có các lớp bảo vệ mà các nước khác không có.
Đó là bởi bản chất tương đối khép kín của nền kinh tế, tầm quan trọng của thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ đối với toàn cầu, cũng như sự phổ biến của đồng đô la trong dự trữ quốc tế.
Điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng - tăng trưởng sẽ chậm lại và lạm phát có thể tăng. Nhưng lạm phát tăng sẽ dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trì hoãn hoặc có thể loại bỏ việc cắt giảm lãi suất, và tăng trưởng ở châu Âu và châu Á sẽ dễ bị tổn thương hơn ở Mỹ.
Tóm lại, “nỗi đau” do cuộc chiến thuế quan gây ra có thể sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn ở các loại tiền tệ khác, không loại tiền nào trong số đó có vai trò là “nơi trú ẩn an toàn” như đồng đô la Mỹ. Và trong thế giới tỷ giá hối đoái, mọi thứ đều tương đối.
Tác động đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ và Eurozone
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã cố gắng đánh giá mức độ rủi ro của "cuộc chiến thương mại" đối với tăng trưởng của Mỹ và khu vực đồng euro bằng cách phân tích cuộc chiến thương mại năm 2018-2019 và thông qua ba lăng kính - bình luận của các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu về sự bất ổn thương mại, lợi nhuận đối với thị trường chứng khoán xung quanh thông báo thuế quan và mô hình đầu tư xuyên quốc gia.
Họ nhận thấy rằng mức độ không chắc chắn về chính sách thương mại nếu tăng lên bằng mức năm 2018-2019 thì có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ xuống 3/10 điểm phần trăm. Tác động ước tính đối với tăng trưởng của khu vực đồng euro sẽ lớn hơn gấp ba lần.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đối với một khu vực được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với Mỹ, chỉ ở mức 0,8% trong năm nay và 1,5% vào năm tới, đó sẽ là một cú sốc lớn. Việc nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể sẽ xảy ra sau đó, làm suy yếu đồng euro.
Các nhà kinh tế của Goldman cho biết: “Việc gia tăng hơn nữa mức độ không chắc chắn trong chính sách thương mại gây ra nguy cơ suy làm giảm đáng kể đánh giá của chúng tôi về triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025. ... Ở những nền kinh tế mà tỷ trọng xuất khẩu trong GDP càng lớn thì tác động sẽ càng mạnh.”
Sự không chắc chăn về thương mại gia tăng có thể làm giảm tăng trưởng GDP ở Mỹ và Eurozone.Nền kinh tế Mỹ đóng cửa hơn các nền kinh tế lớn khác
Nền kinh tế Mỹ mở cửa ít hơn nhiều so với các nền kinh tế châu Âu hoặc Trung Quốc, có nghĩa là sự gián đoạn thương mại sẽ có tác động tương đối hạn chế.
Theo Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ chiếm 11,8% GDP vào năm 2022, so với 20,7% ở Trung Quốc. Dữ liệu của Eurostat cho thấy xuất khẩu hàng hóa của khu vực đồng euro năm ngoái trị giá 20% GDP.
Thâm hụt thương mại dai dẳng và ngày càng xấu đi kéo dài trong nhiều năm được coi là lực cản lớn đối với đồng đô la khi Mỹ phải hút một lượng lớn vốn nước ngoài để thu hẹp khoảng cách và ngăn đồng đô la giảm giá.
Nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2023 là 2,8% GDP, nhỏ hơn nhiều so với năm trước đó và chỉ bằng một nửa so với giữa những năm 2000. Ngoài ra, việc tự cung cấp năng lượng và nỗ lực phục hồi sản xuất trong nước đều cho thấy thâm hụt của Mỹ sẽ không còn là lực cản lớn đối với đồng đô la như trước đây. Mặt khác, bất cứ sự leo thang căng thẳng thuế quan nào cũng đều có khả năng làm giảm thêm lượng nhập khẩu của Mỹ.
Tác động đối với đồng euro
Các vấn đề kinh tế trong nước và lập trường địa chính trị của Trung Quốc đủ để khiến người nước ngoài cảnh giác khi đầu tư vào nước này. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong 15 năm ngay khi căng thẳng thương mại lại gia tăng.
Chứng khoán Trung Quốc đang hoạt động kém hiệu quả, hầu như không tăng trong năm nay sau khi đã cho kết quả rất kém trong năm 2023. Bắc Kinh đang cố gắng giữ giá đồng nhân dân tệ - đang ở mức thấp nhất trong 7 tháng so với đồng đô la.
Chứng khoán châu Âu và đồng euro đã không có phản ứng tích cực trước những tin tức gần đây về thuế quan mà Brussels áp đặt đối với một số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Với mối quan hệ thương mại chặt chẽ hiện nay giữa khu vực đồng euro và Trung Quốc, điều này không có gì đáng ngạc nhiên.
Với viẹc khu vực đồng euro nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu sẽ tác động mạnh đến đồng euro.
Và với việc đồng euro có tỷ trọng gần 60% trong chỉ số đồng đô la, có một mối tương quan nghịch đảo mạnh mẽ một cách tự nhiên giữa ‘số phận’ của đồng euro và đồng đô la.
Các nhà phân tích của Deutsche Bank dự đoán đồng USD sẽ "tăng giá trong thời gian dài" trong năm nay và trong năm tới, mặc dù động lực có thể yếu dần khi chu kỳ tăng giá này kéo dài.
Tuy nhiên, quan điểm cứng rắn về thương maị của bất cứ ai giành được chiếc ghế Nhà Trắng vào tháng 11 tới sẽ đều là diễn biến tích cực đối với đồng USD và có thể đẩy đồng euro xuống mức ngang giá so với USD.
Các chu kỳ tỷ giá đồng USD so với các tiền tệ đối tác chủ chốt.Tham khảo: Reuters