Chiều 26/5, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác phát triển giữa các tập đoàn năng lượng hàng đầu của 3 nước về xuất khẩu điện tái tạo từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore.
Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc triển khai hợp tác ba bên, khẳng định cam kết chung nhằm thúc đẩy thương mại điện sạch xuyên quốc gia. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm chung trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về lưới điện ASEAN và tăng cường kết nối năng lượng khu vực theo hướng bền vững và linh hoạt hơn.
Theo thỏa thuận này, phía Malaysia, thông qua Liên danh Năng lượng Malaysia (MYEC) giữa Tenaga Nasional Berhad (TNB) và Petroliam Nasional Berhad (PETRONAS) sẽ hợp tác với Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Sembcorp Utilities Pte Ltd, công ty con của Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore) để khai thác tiềm năng dồi dào về năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, từ đó sản xuất điện sạch và cung cấp điện xuyên biên giới.
Theo nội dung của thỏa thuận, các bên sẽ cùng nghiên cứu tính khả thi của việc xuất khẩu điện sạch từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore thông qua tuyến cáp ngầm, kết nối với lưới điện quốc gia của bán đảo Malaysia, đồng thời xem xét khả năng bổ sung của nguồn điện và hệ thống lưu trữ để nhằm bảo đảm tính ổn định.
Các bên sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các quốc gia liên quan trong suốt quá trình phát triển dự án, từng bước hoàn thiện các thủ tục phê duyệt cần thiết để góp phần thúc đẩy kết nối lưới điện và hợp tác năng lượng xuyên biên giới.
Thỏa thuận 3 bên này đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng xanh xuyên biên giới, khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam, hướng tới việc mở ra một mô hình hợp tác năng lượng tái tạo xuyên biên giới có thể mở rộng trong khu vực Đông Nam Á, qua đó đưa khu vực trở thành hình mẫu toàn cầu về giải pháp khử carbon và chuyển dịch năng lượng dựa trên nền tảng hợp tác. Đây là minh chứng cho nỗ lực thúc đẩy tiến trình hội nhập năng lượng trong khu vực và hiện thực hóa lưới điện ASEAN.
Là thành viên của ASEAN, Việt Nam đang thúc đẩy tầm nhìn chiến lược để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực, với cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại Đông Nam Á.

Thông qua hợp tác ba bên này, Việt Nam hướng đến việc mở ra các cơ hội kinh tế mới, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, đồng thời củng cố cam kết chung của ASEAN về một hệ sinh thái năng lượng bền vững với phát thải thấp.
ASEAN đã có kinh nghiệm mua bán điện sạch xuyên biên giới
Trước đó, các quốc gia ASEAN cũng đã ký nhiều thỏa thuận liên quan đến năng lượng sạch, đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực. Cụ thể, dự án Tích hợp Điện Năng Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS-PIP): Đây là dự án mua bán điện đa phương tiên phong và là hình mẫu cho toàn khu vực.
Theo đó, trong giai đoạn 1 - từ tháng 6/2022 đến 6/2024, đã thành công trong việc mua bán 100 MW điện năng (chủ yếu từ thủy điện) từ Lào đến Singapore thông qua hệ thống lưới điện của Thái Lan và Malaysia. Giai đoạn này đã kết thúc tốt đẹp, chứng minh tính khả thi của việc mua bán điện đa quốc gia. Giai đoạn 2, bắt đầu từ tháng 9/2024, công suất mua bán điện sẽ được tăng gấp đôi lên 200 MW. Một điểm mới quan trọng của giai đoạn này là sự tham gia của Malaysia với vai trò là một bên cung cấp điện, biến dự án thành một mô hình thương mại điện đa chiều.
Giao dịch năng lượng tái tạo Malaysia - Singapore, đánh dấu bằng thời điểm tháng 12 năm 2024, lần đầu tiên năng lượng tái tạo từ Malaysia được giao dịch xuyên biên giới sang Singapore. Thông qua một cuộc đấu thầu cạnh tranh, Sembcorp (Singapore) đã mua 50 MW điện xanh (từ thủy điện và điện mặt trời) của Malaysia. Thỏa thuận này có thời hạn hai năm, mở đường cho các hoạt động thương mại điện năng lượng tái tạo song phương khác.
Do hạn chế về tài nguyên tái tạo trong nước, Singapore đang là quốc gia tích cực nhất trong việc thúc đẩy nhập khẩu điện sạch. Ngoài các dự án với Lào, Malaysia, và Việt Nam, Singapore đã ký nhiều biên bản ghi nhớ (MOU) và thỏa thuận hợp tác với Indonesia để nhập khẩu 2 GW điện carbon thấp và với Campuchia để nghiên cứu kế hoạch nhập khẩu 1 GW điện tái tạo.
Việc mua bán điện tái tạo được định hướng bởi Kế hoạch Hành động Hợp tác Năng lượng ASEAN (APAEC), hiện đang trong Giai đoạn 2(2021-2025). Các nước thành viên đang thảo luận về kế hoạch cho giai đoạn sau năm 2025, tập trung vào các giải pháp mới cho chuyển dịch năng lượng.
Để hiện thực hóa tầm nhìn Lưới điện ASEAN (APG), các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách nhận định khu vực cần thành lập một thể chế năng lượng khu vực để điều phối và thống nhất các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật lưới điện, xây dựng cơ chế định giá truyền tải minh bạch như là yếu tố then chốt để tạo thuận lợi cho việc truyền tải điện qua các nước thứ ba và phát triển thị trường Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (RECs) nhằm tạo điều kiện công nhận các nguồn năng lượng sạch xuyên biên giới một cách minh bạch.