5 năm trước, Jack Scott và Alex Wright đã dành những ngày cuối tuần tại công viên Battersea ở London để mời mọi người uống thử loại nước trái cây có ga, không đường mà họ tạo ra, từ đó đánh giá nhu cầu của người tiêu dùng.
"Chúng tôi nhận thấy loại đồ uống này khá được ưa chuộng tại Mỹ. Vì thế, chúng tôi muốn là một trong những người tiên phong tại thị trường Anh", Scott cho biết.
5 năm trôi qua và niềm tin của họ đã được đền đáp. Dash Water hiện là một trong những thương hiệu nước trái cây có ga bán chạy nhất của Anh, chiếm khoảng 35% thị phần. Sản phẩm của công ty được phân phối tại rất nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại đây. Năm ngoái, Dash Water gia nhập thị trường Úc với 1.500 cửa hàng.
Theo Wright, công ty đạt doanh thu bán lẻ là hơn 10 triệu USD. Ước tính, con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Không những vậy, Dash Water cũng đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nổi tiếng. Đầu năm nay, thương hiệu này đã gọi vốn thành công hơn 2 triệu USD.
Hai nhà sáng lập đã xây dựng Dash Water như thế nào? Dưới đây là câu chuyện thành công của họ:
Khi mới bắt đầu, Scott và Wright muốn nhấn mạnh vào yếu tố "không đường" của sản phẩm nhưng sau một thời gian ngắn, họ nhận ra rằng nhiều khách hàng quan tâm và thích thú với việc sản phẩm được tạo ra từ trái cây có đôi chút khiếm khuyết (nhưng vẫn tươi ngon). Chúng đa phần bị các cửa hàng, siêu thị từ chối vì mẫu mã không đẹp. Không ít trong số đó còn bị thải loại, gây nên tình trạng lãng phí thực phẩm.
Quyết định sử dụng trái cây khiếm khuyết xuất phát từ trải nghiệm trong ngành nông nghiệp của hai nhà sáng lập. Scott chia sẻ với Bloomberg: "Tôi và Wright đều lớn lên ở trang trại, nơi chúng tôi thấy rất nhiều nông phẩm tuy có chất lượng tốt nhưng bị thải loại chỉ vì hình thức. Tôi từng làm công việc phân loại khoai tây. Một số siêu thị chỉ chấp nhận nhập khoai tây với kích thước và hình dạng nhất định. Do đó, rất nhiều củ khoai tây nhỏ hơn hay có khiếm khuyết không đáng kể bị chuyển sang băng tải khác để chôn lấp hoặc làm thức ăn cho gia súc. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn. Thông qua Dash Water, chúng tôi muốn nâng cao nhận thực về rác thải thực phẩm, để những sản phẩm có hình thức không bắt mắt vẫn có cơ hội phục vụ người tiêu dùng".
Ước tính, rác thải thực phẩm chiếm tới 40% số nông phẩm trên toàn cầu và chúng có khả năng tạo ra một lượng đáng kể khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trên thực tế, Dash Water không phải thương hiệu duy nhất tạo ra sản phẩm từ những nguyên liệu như vậy. Tuy nhiên, họ lại đạt được thành công hơn hẳn nhờ biết cách làm marketing. Wright và Scott thực hiện cách tiếp cận khác đối với việc phân phối tới tay người tiêu dùng.
"Đã có không ít sản phẩm tương tự ở siêu thị. Chúng tôi coi các cửa hàng như vậy là kênh lâu đời khó thâm nhập bởi nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chi khoản tiền lớn để đưa chúng lên kệ. Chúng tôi gần như không thể cạnh tranh với họ. Cách cạnh tranh của chúng tôi là đưa ra sứ mệnh rất rõ ràng", Wright chia sẻ.