Doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng tham dự ĐHĐCĐ thường niên của API

Đinh Tịnh | 09:52 11/05/2024

ĐHĐCĐ thường niên năm nay của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) bất ngờ có sự tham dự của doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng.

Doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng tham dự ĐHĐCĐ thường niên của API
API đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024 là 38 tỷ đồng

Ngày 10/5, CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 với sự tham dự của 36 cổ đông, đại diện cho 52,589 triệu cổ phần, tương đương 62,54% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.

Tại đại hội năm nay, nhiều cổ đông chú ý đến sự hiện diện của ông Nguyễn Đỗ Lăng, nguyên Chủ tịch Apec Group, cựu Thành viên HĐQT API.

Trong năm 2023, lãnh đạo nhóm Apec từng vướng lùm xùm khi vào cuối tháng 6/2023, bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Đỗ Lăng đã bị khởi tố, tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại nhóm doanh nghiệp, theo quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Ly sau đó đã được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT API thay bà Thanh.

Sau biến cố, cổ đông mong muốn ông Nguyễn Đỗ Lăng chia sẻ với đại hội lần này về định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. Ban đầu ông không có ý định tham gia đại hội và dự định chỉ ở phía sau hậu trường.

Tuy nhiên, ông Lăng cũng thẳng thắn nói về sự việc xảy ra trong năm 2023 với lùm xùm "thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam" và cho rằng: "Đây là một tai nạn vô cùng bất ngờ. Chúng tôi không làm, có một vài bạn nhân viên ở dưới đặt lệnh,” ông Nguyễn Đỗ Lăng .

Theo ông Lăng, sắp tới sẽ có công bố thông tin, ông đang chờ cơ quan pháp luật và hy vọng mọi việc sẽ êm đẹp.

“Tôi cũng đã trao đổi rằng nếu cùng lắm quy cho Apec thì chỉ vài nhân viên ở dưới vô tình để xảy ra những điều như thế. Việc đã xảy ra rồi thì cũng không nói lại, hy vọng sẽ êm đẹp, mình chỉ tập trung vào công việc chính của mình thôi,” ông Lăng cho biết.

Về tình hình hoạt động của công ty, mọi việc đã quay trở lại bình thường từ năm ngoái, tuy nhiên ông Lăng chia sẻ cảm giác buồn vì giá cổ phiếu ở mức thấp. Ông Lăng nhận định đây là điều rất vô lý vì theo ông, API là một công ty tốt, các công trình, tài sản đều rất đàng hoàng, vay nợ gần như là không lấp đầy.

“Hôm nọ tôi nhìn cũng hơi bị chạnh lòng với bên Công ty BĐS Phát Đạt, quỹ tiền mặt của họ còn đâu 9 - 10 tỷ đồng gì đấy, trong khi mình có mấy chục tỷ đồng, nhưng giá cổ phiếu mình thì bằng 1/10 của họ,” ông Nguyễn Đỗ Lăng nói.

Ông Lăng cho biết, với tư cách là cổ đông lớn, ông đề nghị với HĐQT mới, ban lãnh đạo mới, nên tập trung khai thác các tài sản của công ty, dần dần phá thế cổ phiếu chu kỳ. Trên những tài sản cũ, công ty tập trung vào phần chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế, ảnh trường, phim trường ở các tỉnh, “đi nhặt tiền lẻ nhưng mà chắc”.

Ở dự án Huế, công ty phấn đấu mảng khai thác dịch vụ mang lại lợi nhuận 20 tỷ đồng một năm, ở dự án Bắc Giang có khu chăm sóc sức khỏe, y tế, làm sao mang lại lợi nhuận 20, 30 tỷ đồng, tương tự là dự án ở Phú Yên.

Theo ông Lăng, API đang có một khối tài sản khổng lồ, tổng tài sản trên báo cáo tài chính là hơn 2.000 tỷ đồng, nợ hiện tại cũng đang rất ít, thực chất chỉ trên 120 tỷ đồng, công ty vẫn rất an toàn so với nhiều doanh nghiệp bất động sản khác trên thị trường.

“Cam kết của Apec vẫn là sự chắc chắn. Cô con gái của tôi năm nay cũng vào HĐQT của API. Hy vọng sắp tới các cơ quan điều tra có kết luận là mình không có vấn đề gì cả” ông Lăng chia sẻ với đại hội.

API báo lỗ quý thứ 4 liên tiếp

Theo tờ trình ĐHĐCĐ, sang năm 2024, API sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển các dự án bất động sản tại các quỹ đất mà công ty sở hữu.

Cụ thể, dự án Royal Park Huế dự kiến mang về doanh thu khoảng 288 tỷ đồng, đến từ các sản phẩm của phân khu mới tại khu D sẽ hoàn thiện pháp lý và đủ điều kiện mở bán.

Dự án Apec Aqua Park Bắc Giang dự kiến thu về 159 tỷ đồng đến từ việc giải phóng hàng tồn kho.

Với dự án Apec Mandala Wyndham Phú Yên, API sẽ triển khai thêm các hoạt động dịch vụ, tăng trưởng doanh thu từ du lịch khách sạn tại dự án.

Bên cạnh đó, năm nay API sẽ tiếp tục triển khai toà cao tầng thứ hai tại Bắc Giang với hơn 500 căn hộ, tổng doanh thu dự kiến 1.500 tỷ đồng. Dự án APEC Dubai Tower Ninh Thuận cũng được triển khai song song với tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng.

API lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 51 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Công ty đề xuất không chia cổ tức trong năm nay.

API còn cách khá xa kế hoạch kinh doanh, khi trong quý 1/2024, doanh thu hợp nhất của API giảm gần nửa so với cùng kỳ về còn 34,9 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm 74,3% về còn 6,86 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, API báo lỗ sau thuế 11,7 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 4,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023. Đây là quý thứ 4 liên tiếp API báo lỗ, trước đó trong quý 4/2023, công ty cũng báo lỗ 19,45 tỷ đồng.

Trong năm 2023, mảng bất động sản của API gặp nhiều khó khăn. Doanh thu từ bất động sản là mảng chính của API năm 2023 đạt 184,4 tỷ đồng, trong đó dự án Aqua Park Bắc Giang đạt 51,7 tỷ đồng, dự án Apec Mandala Wyndham Phú Yên đạt 121,7 tỷ đồng, dự án Royal Park Huế đạt 10,9 tỷ đồng. Doanh thu đều đến từ việc bán hàng tồn kho của dự án.

Năm 2023, API ghi nhận doanh thu đạt 210,9 tỷ đồng, lỗ trước thuế 45,7 tỷ đồng do tỷ trọng chi phí quản lý, chi phí tài chính trên doanh thu tăng so với năm 2022. Tổng tài sản của công ty đạt 2.285 tỷ đồng.

Trong năm 2023 không có thay đổi hay biến động nhiều về tài sản cũng như vốn chủ sở hữu vì lý do thị trường có những tín hiệu không tích cực nên các hoạt động mua bán, sáp nhập... gần như hạn chế tối đa để đảm bảo an toàn cho công ty về dòng tiền.

Phần lớn doanh thu trong 2023 của API đến từ ba dự án bất động sản đã hoàn thành hạ tầng, công trình và đưa vào sử dụng là APEC Royal Park Huế, APEC Aqua Bắc Giang và APEC Mandala Wyndham Phú Yên.

Trong năm 2023, lãnh đạo nhóm Apec vướng lùm xùm khi vào cuối tháng 6/2023, bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Đỗ Lăng đã bị khởi tố, tạm giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại nhóm doanh nghiệp, theo quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội. Ông Nguyễn Văn Ly sau đó đã được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT API thay bà Thanh.

Đôi nét về doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng

Ông Nguyễn Đỗ Lăng sinh năm 1974 tại Bắc Ninh, tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Trento (Ý).

Năm 1998, ở tuổi 24, ông Lăng đã là Giám đốc điều hành Công ty Prometeo - Italia. Sau đó, ông Lăng có 6 năm đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn quốc tế Cát Tường - CIC từ năm 2000-2006.

Từ năm 2006 - 6/2020, ông Lăng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã CK: APS), Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã CK: IDJ), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Mã CK: API).

Từ tháng 6/2020 đến nay, ông Lăng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT IDJ và Thành viên HĐQT API.

Ngoài ra, ông Lăng còn có nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Cotana (Mã CK: CSC).

Dù không trực tiếp đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất tại các doanh nghiệp nêu trên, song doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng vẫn cho thấy tầm ảnh hưởng đáng kể ở APS, API và IDJ.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, ông Lăng là cổ đông lớn nhất nắm 18,8 triệu cổ phiếu APS, tương đương 14,3% vốn điều lệ công ty chứng khoán này.

Ông Lăng cũng nắm giữ hơn 16,4 triệu cổ phiếu API, chiếm 19,6% vốn điều lệ. Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Lăng - đứng tên 8,2 triệu cổ phiếu API, tương đương 9,82% vốn điều lệ.

Ở IDJ, ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng vợ và con trai Nguyễn Đỗ Đức Lâm cũng sở hữu hơn 9,2 triệu cổ phiếu, chiếm 5,35% vốn điều lệ. Trong khi đó, nhóm Apec Group (bao gồm APS, Apec Group và CTCP Đầu tư Apec Holdings) sở hữu 40,4 triệu cổ phiếu IDJ, tương đương 23,3% vốn điều lệ.

Năm 2021 là năm "đại thắng" của APS, API và IDJ khi bộ ba cổ phiếu này ghi nhận mức tăng lên tới cả chục lần, giúp ông Lăng lọt top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trị giá hơn 1.000 tỉ đồng.

Về Tập đoàn Apec Group được thành lập vào cuối tháng 11/2017 nhằm mục đích thiết lập một khối các doanh nghiệp thông qua sở hữu cổ phần. Tập đoàn này hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như đầu tư tài chính, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khai thác và vận hành dịch vụ khách sạn… song lĩnh vực chính vẫn là phát triển bất động sản.

Theo đó, Apec Group là chủ sở hữu hàng loạt dự án lớn như: Apec Golden Valley Mường Lò tại Yên Bái (quy mô 16ha; tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỉ đồng); Khu đô thị Apec Royal Park Huế (34,7ha; 10.000 tỉ đồng); Apec Aqua Park Bắc Giang (8.927 m2; 1.600 tỉ đồng); Apec Mandala Wyndham Mũi Né (4,5ha; 2.000 tỉ đồng); Apec Diamond Park Lạng Sơn (55.432m2; 1.580 tỉ đồng); Khu công nghiệp Apec Đa hội tại Từ Sơn, Bắc Ninh (34,5ha; 1.200 tỉ đồng); Khu công nghiệp Điềm Thuỵ, Thái Nguyên (170ha; 2.000 tỉ đồng).

Thông qua IDJ, tập đoàn này còn đang triển khai dự án Tổ hợp khách sạn, khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Towers tại đường Yên Ninh, TP Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận với quy mô 2,2ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng tham dự ĐHĐCĐ thường niên của API
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO