Ông Mai Quốc Bình là người sáng lập và điều hành Công ty CP Thế giới giấy (TGG) được thành lập năm 2009 với số vốn ban đầu là 30 triệu đồng. Tầm nhìn của TGG là trước năm 2025 trở thành nhà cung cấp giấy tissue hàng đầu Việt Nam, từ năm 2026 vươn tầm thế giới. Năm 2020, TGG được đối tác Oita Paper Product Co., LTD từ Nhật Bản lựa chọn đầu tư với định giá 30 triệu USD. Với các sản phẩm như giấy vệ sinh cuộn lớn, khăn giấy lau tay đa năng… được các doanh nghiệp, tổ chức, bệnh viện lớn tại Việt Nam sử dụng thường xuyên… tham vọng trở thành công ty giấy tissue lớn nhất Việt Nam trước năm 2025 đang nằm trong tầm tay của TGG.
Ông Mai Quốc Bình đồng thời cũng là là founder của Sachi Farm - Nông trại trồng xoài, mít, sầu riêng… chất lượng cao với diện tích hơn 200 ha, chinh phục được nhiều khách hàng khó tính. Ngoài ra ông Bình còn là cổ đông, co-founder của 14 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông Mai Quốc Bình cũng là người yêu thích sách, đọc nhiều, thậm chí anh còn vừa ra mắt cuốn sách “Khác biệt để vươn tầm” chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về chủ đề này.
Nhiều người tò mò và khâm phục quá trình khởi nghiệp của anh. Vậy điều gì khiến một sinh viên vừa ra trường như anh quyết định khởi nghiệp khi chỉ có trong tay số vốn vô cùng hạn hẹp?
Tôi khởi nghiệp năm 2009, sau khi vừa hoàn thành chương trình đại học liên thông ngành quản trị kinh doanh. Trước đó trong 2 năm học đại học liên thông tôi vừa học vừa làm, cũng có được một số kinh nghiệm. Nhưng lúc đó tôi vừa chạy vừa run, bởi bắt đầu với TGG thì tôi thật sự không có đồng nào hết, chỉ có một chiếc xe Dream là ông anh cho lúc mới tốt nghiệp để đi làm. Lúc đó tôi phải tìm đến bố mẹ, người thân. Người bán gà, người bán bò, người bán heo được 3 triệu, 5 triệu gì đó, cho tôi vay tổng cộng được 30 triệu.
Và hành trình của tôi bắt đầu từ con số đó. Người đi làm bình thường lương tháng 5 - 7 - 10 triệu gì đó, thì được quyền xài hết. Còn tôi không dám lãnh lương luôn, ăn thì cũng làm sao tối giản nhất, để công ty có tiền hoạt động, để cho nó lớn lên. Cứ như vậy, sau nhiều hành trình chết đi sống lại, thì TGG từ từ ngoi lên.
Khởi nghiệp với TGG là do nhà tôi khi xưa rất nghèo, lại đông con. Từ nhỏ tôi đã muốn có tiền, muốn thoát nghèo, và tôi nghĩ mình phải học làm kinh doanh, phải bán được một cái gì đó. Tôi cũng là người có duyên bán hàng. Ngày nhỏ ở nhà ai đi bán hàng cũng mong ra cổng gặp tôi, được tôi sờ vào hàng.
Cuối cùng anh đã chọn “một cái gì đó” là giấy tissue. Tại sao lại là sản phẩm đó, và ngay từ đầu bên anh đã sản xuất và bán hàng hay sao thưa anh?
Đầu năm 2009, có một ngày tôi đi siêu thị, thì thấy có một chị đi mua giấy cho công ty sử dụng. Tôi thấy chị chất giấy lên xe, rồi cứ bị rớt lên rớt xuống. Tôi băn khoăn tại sao chị không gọi đến các nhà máy sản xuất giấy để họ giao hàng cho, mà chị lại mang một xấp tiền đi mua một xe rất nhiều giấy thế này. Chị nói cái này nó cồng kềnh, giá trị không đáng bao nhiêu, cho nên không có công ty nào giao hàng cho chị.
Lúc này tôi nghĩ: Tại sao mình không mở một công ty mua giấy từ các nhà máy sản xuất, rồi đi giao hàng cho các đơn vị có nhu cầu và lấy lợi nhuận từ khâu trung gian này? Thế nên, tôi thành lập TGG để giải quyết vấn đề đó cho khách hàng, để họ không phải đi mang một sập tiền đi mua một xe giấy nữa. Lúc đầu công ty tôi phân phối cho các công ty khác thôi. Rồi từ từ sau này tôi mới có nhà máy sản xuất.
Có phải cái duyên bán hàng của anh là một trong những nguyên nhân góp phần làm nên thành công cho doanh nghiệp của anh?
Tôi cho rằng cuộc sống của chúng ta theo duyên thôi chưa đủ. Mà cái duyên đó thì chúng ta phải rèn, phải mài, phải giũa. Giống như bất kỳ thanh sắt nào cũng có khả năng xuyên phá; nhưng nếu nó được mài thành xà beng, thành kim thì khả năng xuyên phá của nó sẽ khác hơn nhiều.
Hồi sinh viên tôi đi làm bán thời gian nhiều công việc, từ phát tờ rơi, đến phục vụ nhà hàng... Đó là quá trình mà tôi rèn luyện kỹ năng bán hàng của mình. Có nhiều điều làm nên thành công của một doanh nghiệp, nhưng một trong những điều quan trọng nhất là người chủ phải biết bán hàng, doanh nghiệp phải bán được hàng và thu được tiền về.
Ngoài ra, điều quan trọng không kém là tôi xác định mục tiêu cho các doanh nghiệp của mình: lớn mạnh nhưng phải bền vững. Vì vậy chúng tôi luôn đặt lợi ích khách hàng lên trước, mang lại giá trị thật cho khách hàng, không làm ăn gian dối. Với hệ thống, đội ngũ của mình cũng vậy, tôi luôn nỗ lực nuôi dưỡng làm sao đó để họ cảm thấy hạnh phúc khi gắn đó với mình.
Thực tế cho đến tận bây giờ, dù được coi là một doanh nhân khá thành công, anh vẫn không ngại live-stream bán giấy, bán trái cây của trang trại trên trang mạng xã hội cá nhân của mình.
Kinh doanh là phải bán hàng. Tôi cho rằng, nếu ai đó không vượt qua được mặc cảm “tự ti, cảm thấy thiếu sang chảnh khi bán hàng”, thì tôi cho rằng họ không nên làm kinh doanh. Hoặc có thể phong cách của tôi là “doanh nhân chân đất”, gần gũi với đời thường nên tôi không bao giờ thấy ngại với công việc này.
Có bao giờ anh nhận được thắc mắc, hoặc nói cách khác là nghe được những lời ghen tị kiểu như: ông ấy thế nhưng chỉ học liên thông đại học ấy mà!
Đó là vấn đề đấy. Có nhiều người họ tự tin mình học ở một trường đại học danh giá, ra trường cầm cái bằng đỏ, họ nghĩ như vậy là được rồi, không cần phải học thêm nữa. Nhưng tôi thấy rằng những kiến thức mà mình học ở trên ghế nhà trường, ra đời đâu đó chúng ta chỉ sử dụng được trong một đến tối đa hai năm là lỗi thời. Cho nên học ở trên trường đại học chỉ một phần nào đó thôi, nó tạo cho chúng ta cái nền tảng, để chúng ta tự tin là có học hành bài bản, sau đó chúng ta phải không ngừng học hỏi để có thêm kiến thức, hoàn thiện thêm kỹ năng của mình.
Ví dụ muốn nói chuyện được trước camera, chúng ta phải có rèn luyện, chứ không phải tự nhiên bật camera lên là chúng ta nói được. Muốn viết và chia sẻ những bài viết của mình, trước đó chúng ta phải viết hàng chục bài viết, viết xong cất, viết xong lại sửa, rồi sau đó chúng ta mới dám chia sẻ với rộng rãi mọi người.
Tôi ghi nhớ và cứ làm theo câu nói trong Triết học Mác – Lê: “Biến đổi về lượng đến một mức nhất định sẽ dẫn đến biến đổi về chất”. Vì vậy nếu có việc nào mà chưa thành công, thì tôi luôn nghĩ là “cái lượng của mình nó chưa đủ, cho nên nó không thể biến đổi thành chất”. Nên tôi cứ tiếp tục chiến đấu, tiếp tục rèn luyện cho đến khi có biến chuyển mới thôi.
Tôi thấy nhiều người rất… thảm. Ra trường 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm rồi, chưa đi học thêm một khóa nào cả về nghiệp vụ chuyên môn, về kỹ năng mềm. Và sau đó thì họ bị tụt hậu rất xa, so với những người lúc trước có thể không học đến nơi đến chốn như họ. Tại vì sao? Thứ nhất, tại vì kiến thức ở trường học chỉ cung cấp cho chúng ta cái nền tảng như tôi đã nói ở trên. Thứ hai trường đời có thể cho chúng ta rất nhiều kiến thức hay, hữu ích cho công việc và cuộc sống của mỗi người.
Nếu coi chúng ta là một ngôi nhà, thì trường đại học cho chúng ta cái nền tảng, cái móng, còn toàn bộ từ phần mặt đất trở lên là những gì chúng ta học ở trên trường đời. Đó là cái khung, đó là cái sườn, là cái bố cục bên trong, đó là nội thất, nó làm cho cái nhà của chúng ta giá trị hơn. Cho nên là theo tôi là chúng ta phải liên tục học và học.
Anh nghĩ sao nếu nhiều người cho rằng tiếp tục học cao học, làm thạc sỹ, tiến sĩ cũng là một cách học?
Tôi cho rằng có một số lĩnh vực như kinh doanh… nếu tiếp tục học như vậy thì là thảm họa luôn. TGG có nhiều bạn đến phỏng vấn, trong đó có một số người là tiến sỹ, gần 30 tuổi. Tôi hỏi tại sao họ quyết định học tiến sĩ. Họ trả lời: hồi học xong đại học em thấy chưa đủ kiến thức, nên em xin tiền bố mẹ đi học cao học. Học cao học xong thì em thấy thôi tiện thì học luôn tiến sỹ; và bây giờ tiệm cận 30 tuổi, em học đầy đủ rồi em mới làm.
Nhiều người trong số này tôi thấy họ có một bụng chứa kiến thức, nhưng không có cái gì gọi là thực tế cả. Và đến cái tuổi đó rồi thì sự máu lửa, quyết liệt nó không còn nữa, cơ hội này nọ bị hẹp đi rất nhiều. Bởi chính bản thân họ cảm thấy: "Ô! Tôi bây giờ là tiến sỹ mà phải đi bán hàng à, tôi bây giờ tiến sỹ mà phải ngồi đây nhập liệu kế toán à…" Vì vậy họ trở thành tiến sỹ thất nghiệp. Tất nhiên là không phải tất cả các tiến sỹ đều như vậy, nhưng có một số trường hợp như vậy. Và những người đó tự làm hạn chế cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình, tự làm cho mình lãng phí mất 5, 7 năm, 10 năm như vậy để làm lại từ đầu.
Quay trở lại với cá nhân anh, anh học hỏi như thế nào và từ đâu?
Về cá nhân, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi luôn học hỏi và nâng cao kiến thức cho bản thân bằng cách đọc sách; giao lưu, học hỏi từ những doanh nhân đi trước, các chuyên gia thành viên trong cộng đồng doanh nhân tôi là thành viên. Trong đó, hồi trẻ tôi đọc nhiều. Vài năm trở lại đây tôi học hỏi từ các doanh nhân, chuyên gia nhiều hơn.
Hồi sinh viên tôi ở trọ ở quận Gò Vấp, Tp HCM. Cứ sau giờ học hoặc giờ làm thêm là tôi ra phố sách cũ Nguyễn Văn Bình tìm những cuốn sách cũ, thậm chí là ngồi đọc ké. Khi có thời gian rảnh tôi sẽ ngồi phân loại đống sách giúp các chủ sạp… Lâu lâu có những cuốn sách rất thích nhưng không có tiền để mua, thì tôi sẽ dặn anh chủ sách là anh giữ lại cuốn đó cho em, cuối tuần này hoặc cuối tháng này có tiền thì em sẽ mua nó.
Nhiều chủ sách thấy tôi nhiệt tình, siêng đọc sách như vậy thì bảo: thôi anh tặng mày cuốn sách này. Nhiều người thì nói thôi: em cầm về đọc đi, khi nào có tiền rồi trả lại anh. Hoặc là: thôi bây giờ em mang về đọc đi, anh cho em đọc 3 tháng, xong 3 tháng sau mang ra trả cho anh, anh chỉ lấy 10 ngàn thôi, coi như thuê sách về để đọc.
Không phải chủ doanh nghiệp hay người làm kinh doanh nào cũng biết học từ sách vở, bởi tôi biết lượng sách phát hành tại VN hiện vẫn rất khiêm tốn so với số người đọc tiềm năng. Vậy điều gì giúp anh nhận ra đây là một cách học hữu ích?
Tác giả nào cũng vậy thôi, khi viết một cuốn sách thì tất cả những gì tâm huyết, ruột gan của họ đều được đưa vào trong đó. Bởi ai cũng muốn cuốn sách mình viết ra có nhiều người đọc, nhiều người hưởng ứng, được người nọ giới thiệu cho người kia… Vì vậy mỗi cuốn sách là kết tinh kinh nghiệm hàng chục năm lao động, trải nghiệm của các tác giả.
Người thành công không hẳn là họ thông minh hơn chúng ta, mà họ biết sử dụng nguồn lực của người khác, có thể là sử dụng tiền, tư duy, thời gian của người khác. Đọc sách là một cách để chúng ta sử dụng thời gian của người khác, là cách chúng ta học nhanh nhất, là con đường chúng ta đi tắt đón đầu dễ dàng, đơn giản nhất.
Kinh nghiệm này hẳn là anh càng thấm thía khi chính mình cũng viết sách và tham gia rất nhiều hội thảo chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp và kinh doanh của mình?
Vâng, tôi thấy mình đã nhận được nhiều từ những cuốn sách tôi đã đọc, cũng như từ chia sẻ của các chuyên gia, doanh nhân đi trước. Nên bây giờ khi thấy mình có thể cho đi thì tôi cũng muốn cho đi; nói như nhiều người là đóng góp trách nhiệm, giúp cộng đồng doanh nhân phát triển hơn.
Thực tế, trong quá trình kinh doanh tôi nhận được nhiều đề nghị tư vấn từ anh em bè bạn. Sau đó, khi dịch bệnh Covid 19 xảy ra khiến nhiều hoạt động xã hội, kinh doanh bị ngưng trệ, mỗi tuần tôi live stream một lần để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh của mình, tôi càng nhận được nhiều hơn các đề nghị tư vấn. Vì vậy tôi quyết định viết ra cuốn sách “Khác biệt để vươn tầm” với mong muốn tập hợp lại những kinh nghiệm này, để nó có thể giúp ích một cách hệ thống cho những người muốn làm kinh doanh.
“Khác biệt để nâng tầm” hút rất nhiều thời gian và năng lượng của tôi. Để viết cuốn sách tôi đã mất một năm rưỡi cứ viết rồi lại sửa, viết rồi lại sửa. Và đúng như đã chia sẻ ở trên, tôi cho rằng đọc cuốn sách này nhiều người có thể thu được nhiều kinh nghiệm, kiến thức hữu ích, tận dụng được hơn chục năm lăn lộn trên thương trường của tôi.
Nhưng tôi cũng không đặt mục tiêu lợi nhuận khi xuất bản cuốn sách này. Mong muốn trước tiên của tôi khi xuất bản cuốn sách là truyền cảm hứng cho những người muốn bước chân vào con đường kinh doanh, bởi cá nhân tôi chính là minh chứng cho việc tôi có thể khởi nghiệp thành công từ khởi đầu rất thấp, với số vốn rất thấp. Thứ hai tôi mong muốn những chia sẻ của tôi hữu ích cho những người đang làm kinh doanh, giúp họ có cơ hội thành công tốt hơn, đem lại nhiều cống hiến cho xã hội, giúp xã hội tốt hơn. Và lợi nhuận từ việc bán sách được tôi dùng để mua sách tặng, thực hiện các hoạt động xã hội tại quê hương tôi và một số địa phương.
Dù mới ra mắt không lâu, đến nay “Khác biệt để vươn tầm” đã bán hết 10.000 bản, một con số không nhỏ so với dung lượng thị trường và sức đọc hiện nay tại VN, đặc biệt là khi sách của anh hầu như chưa được pr-marketing rộng rãi. Theo anh điều gì tạo nên sức hút cho cuốn sách?
Thứ nhất, các kiến thức kinh doanh trong cuốn sách được tôi đơn giản hóa, thậm chí là nông dân hóa khiến hầu hết mọi người đều có đọc và hiểu.
Thứ hai là tôi viết cuốn sách chủ yếu là từ suy nghĩ, công việc đời thường đang làm, cho nên nó càng gần gũi, dễ đọc. Nhiều người học vấn cao có thể nói: một cuốn sách như này mà cũng viết! Nhưng nhiều người khác lại thích. Họ không cần những gì cao siêu, họ muốn biết vấn đề có gì thì nói thẳng vào.
Cho nên khi họ đọc sách, biết và học hỏi từ hành trình đi lên của tôi với TGG, với Sachi Farm thì họ quý, rồi lại tiếp tục giới thiệu cho người này, người kia. Và nhờ đó, cuốn sách của tôi đã bán được số lượng như chị biết, dù sách mới chỉ được giới thiệu và bán ở trên Facebook cá nhân của tôi và một phần nào đó ở trên Tiki, còn lại là chưa có bất kì đơn vị nào phân phối hoặc là phát hành cuốn sách này.
Nếu cần đưa ra lời khuyên về đọc sách và học hỏi cho các bạn trẻ, đặc biệt là những người cũng muốn lập nghiệp trên con đường kinh doanh, anh sẽ nói gì?
Như tôi đã nhắc đến ở trên, những người trẻ đừng có quan niệm là cứ đọc sách, hay là đi học thì có thể thành công, giàu có. Đi học chỉ giúp chúng ta có cái nền tảng, tư duy bài bản, giúp chúng ta có được phương pháp tư duy đúng hơn, mạch lạc hơn, khiến chúng ta tự tin hơn về bản thân mình. Đọc sách giúp chúng ta có thêm nhiều kiến thức, nhưng như vậy chưa đủ.
Từ những cái thứ như vậy, chúng ta phải thử ướm vào cái công việc chúng ta đang làm, ướm vào tổ chức của chúng ta, xem những kiến thức, kinh nghiệm đó có phù hợp, có giúp ích cho sự phát triển của cá nhân, doanh nghiệp/ tổ chức của mình không. Cứ phải lăn xả, phải làm mới biết, mới ra được kết quả.
Rồi đúng thì tiếp tục, sai thì sửa. Phải sẵn sàng làm ngày làm đêm cho đến khi thành công mới thôi (cá nhân tôi đến tận 2016 vẫn tự làm mọi thứ trong doanh nghiệp, mỗi ngày tôi làm từ 16-18 tiếng). Kiến thức trong sách, ngoài đường thì giống nhau thôi, nhưng cái quan trọng là chúng ta phải bắt tay vào làm, biến cái kiến thức của thiên hạ thành của mình, đó mới là cái khó, cái thách thức.
Cuối cùng khi thành công rồi thì phải chia sẻ thành công, thành quả đấy cho người khác để, xung quanh chúng ta có những con người tốt hơn, thành đạt hơn, cái tầm của xã hội được nâng lên, tốt đẹp hơn.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.