Doanh nghiệp xuất khẩu lo bị kìm hãm do hạn chế thanh khoản

Lê Khanh | 14:35 21/02/2022

“Tốc độ tăng trưởng tiềm năng sẽ chỉ thực sự được hiện thực hóa nếu các doanh nghiệp có khả năng thực hiện các kế hoạch của mình và không bị kìm hãm bởi tính thanh khoản hạn chế do số lượng và thời hạn cho vay không linh hoạt”, ông Nitin Kapoor, Thành viên Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) chia sẻ.

Doanh nghiệp xuất khẩu lo bị kìm hãm do hạn chế thanh khoản
Ông Nitin Kapoor, Thành viên Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham).

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới" ngày 21/2, ông Nitin Kapoor vui mừng thông tin, Hiệp định Thương mại Tự do giữa hai nước đã mang đến tăng trưởng hơn 16% trong thương mại giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh trong năm 2021, ngay cả khi thế giới chịu nhiều tác động từ đại dịch.

Cũng theo ông Nitin Kapoor, với các chính sách tiền tệ đúng đắn và sự hỗ trợ từ Chính phủ, các công ty và rộng hơn là nền kinh tế đã có thể nhanh chóng trở lại mức tăng trưởng và phát triển trước đây trước khi đại dịch bùng nổ.

"Để nền kinh tế có thể nhanh chóng phục hồi trong bối cảnh bình thường mới, một trong những yếu tố quan trọng của sự phục hồi sẽ là việc mở lại biên giới cùng với một bộ các quy tắc và quy định nhập cảnh quốc gia để cho phép các doanh nhân và khách du lịch quay trở lại một cách an toàn", ông Nitin Kapoor nhấn mạnh.

Việc mở lại biên giới cùng với một bộ các quy tắc và quy định nhập cảnh quốc gia cần được lưu ý đặc biệt. Cụ thể là việc hạn chế, tiến tới loại bỏ các yêu cầu kiểm dịch và nối lại các điều kiện nhập cảnh trước đại dịch sẽ hỗ trợ không chỉ các doanh nhân quốc tế mà còn các doanh nhân địa phương trong lĩnh vực du lịch và kinh doanh.

“Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, lạm phát sẽ là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết. Dữ liệu các năm trước đây cho thấy rằng tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thường cao hơn các quốc gia khác. Do đó Việt Nam nên chú ý thường xuyên vào khía cạnh này trong chính sách kinh tế quốc gia để đảm bảo rằng Việt Nam tránh không để tái diễn hiện tượng bong bóng tài sản làm đẩy cao lạm phát từng diễn ra từ năm 2010 đến năm 2012, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng bền vững…”, ông Nitin Kapoor lưu ý.

Cũng theo đại diện BritCham, thanh khoản và khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng sẽ là yếu tố then chốt cho năm 2022 và trong tương lai trung hạn nên Việt Nam cần lưu ý vấn đề này.

Hiện nay, một số tổ chức ngân hàng của Anh như Standart Chatered đã hoạt động tích cực trên thị trường FDI và khả năng các ngân hàng nước ngoài có thể cho vay hiệu quả đối với các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam là điều quan trọng để Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng của tất cả các Hiệp định Thương mại Tự do đã hiệu lực và đang đàm phán.

Ngoài ra, một quy định linh hoạt hơn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng có thể hỗ trợ các công ty với giới hạn cho vay lớn hơn mức họ đã đưa ra trước đây cũng được xem là yếu tố quan trọng trong chiến lược của các nhà xuất khẩu để tiếp tục tăng trưởng GDP.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp xuất khẩu lo bị kìm hãm do hạn chế thanh khoản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO