Bộ tiêu chuẩn đo lường này đang dần không còn là sự lựa chọn mà trở thành yếu tố quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp trong thời gian tới. Là yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi hội thảo với chủ đề “Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững” do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phối hợp với Liên chi Hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) tổ chức ngày 26/7 tại TP.HCM, các chuyên gia đều khẳng định thực tiễn thực hành ESG tại doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và thách thức vì liên quan tới nhiều yếu tố.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Viết Việt - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch Covid 19 đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế xã hội của cả thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức, việc phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hiện nay, các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và quản trị doanh nghiệp yếu kém đòi hỏi phải có sự chuyển đổi nhanh chóng để phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, chỉ số ESG đã trở thành công cụ quan trọng để đánh giá mức độ tuân thủ trách nhiệm của một doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu đặt ra nhiều thách thức, việc phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng”, ông Việt nói.
Việc tích hợp các nguyên tắc, khung quản trị rủi ro như ESG vào chiến lược cũng như mục tiêu của doanh nghiệp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, được xem là “cánh cửa” thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện trong tương lai.
Qua các khảo sát, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững. Cụ thể, báo cáo triển vọng kinh doanh 2023 của UOB thực hiện khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp ASEAN và Trung Quốc cho thấy 94% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhận ra được mức độ quan trọng của phát triển bền vững.
Mặc dù gặp phải nhiều rào cản và ESG mới chỉ bắt đầu ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã dần cam kết và thực hiện ESG. Cũng trong báo cáo của UOB, Việt Nam cùng với Thái Lan được đánh giá là 2 quốc gia dẫn đầu về áp dụng tính bền vững, với 51% đã bắt đầu thực hành các hoạt động bền vững.
Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam của PwC với sự tham gia của 234 doanh nghiệp tại Việt Nam từ tháng 5 - 8/2022, có đến 44% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG, 36% đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2 đến 4 năm tới.
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực VIREA, cũng cho biết với hệ thống đông đảo các doanh nghiệp là hội viên đang hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp… trên cả nước, nhiều công ty đã chuyển đổi hoàn toàn hoặc từng phần phương thức hoạt động để phù hợp với bộ tiêu chuẩn ESG. “Tuy nhiên, không hề dễ dàng vì doanh nghiệp muốn chuyển đổi sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính”, ông Long khẳng định.
Cũng tại hội thảo, TS. Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam cho biết, báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam của PwC cho thấy, khó khăn trong việc đưa ESG vào khuôn khổ doanh nghiệp hiện có chiếm tới 61%; doanh nghiệp thiếu kiến thức, năng lực triển khai ESG chiếm 57%. Trong khi chất lượng công bố thông tin và nhận thức của đối tác về các yếu tố ESG thấp; thiếu quy định cuối cùng, minh bạch…
Mặt khác theo ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, xu thế bắt buộc đối với các khu công nghiệp và các nhà máy sản xuất là phải hướng đến câu chuyện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu và quy định chung của quốc tế trong việc xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt là các thị trường khó tính.
Mặc khác, vấn đề tài chính xanh được đặc ra, bởi doanh nghiệp muốn chuyển đổi theo mô hình này phải có tài chính. Phải có dòng vốn mà các ngân hàng cam kết đồng hành với doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, thực hiện khu công nghiệp sinh thái.
Chia sẻ về nguồn vốn tín dụng xanh, bà Phạm Minh Châu, đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, BIDV tự hào là ngân hàng tiên phong trong xây dựng chiến lược và thực hành ESG, kiên định theo đuổi mục tiêu trở thành “ngân hàng xanh” trong chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030.
Danh mục tài chính xanh của BIDV đa dạng với các sản phẩm: Tín dụng xanh, Trái phiếu xanh, Tiền gửi xanh, Tài trợ thương mại xanh. Các sản phẩm đều được xây dựng dựa trên các khung tiêu chuẩn dựa trên các chuẩn mực quốc tế, đồng thời phù hợp với quy định hiện hành và thực tiễn tại Việt Nam.