Các giám đốc điều hành của Zeiss SMT, công ty sản xuất thành phần quan trọng để chế tạo chất bán dẫn mạnh nhất thế giới, bắt đầu lo ngại từ mùa thu năm ngoái. Những “headhunter” đến từ Huawei Technologies đã cố gắng tuyển dụng nhân sự của công ty này.
Theo nguồn tin thân cận, Huawei đưa ra đề nghị với mức lương cao gấp 3 lần tại Zeiss để gia nhập công ty Trung Quốc. Động thái này đã khiến các quan chức Đức phải mở một cuộc điều tra.
Theo WSJ, nhìn chung, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy việc thu hút nhân tài đã trở thành “trận chiến” mới nhất giữa Trung Quốc và phương Tây trong cuộc đua giành sự thống trị trong lĩnh vực công nghệ.
Cuộc "đi săn" nhân tài của Trung Quốc
Giới chức phương Tây đặc biệt lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vào ASML, một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất thế giới, và các nhà cung cấp của công ty này, trong đó có Zeiss. ASML là công ty duy nhất trên thế giới có khả năng sản xuất loại máy cho ra đời loại chất bán dẫn nhỏ hơn 1/10.000 so với chiều rộng của sợi tóc người lên chip cho công nghệ AI hiện đại và các ứng dụng khác.
Công ty của Hà Lan đã mất nhiều thập kỷ để hoàn thiện các máy in thạch bản như vậy. Nếu không có chúng, Trung Quốc không thể sản xuất loại chip hiện đại nhất. Do đó, chính phủ Hà Lan đã yêu cầu ASML không xuất khẩu các máy này đến Trung Quốc.
Kể từ năm 2021, Huawei đã tuyển dụng hàng chục kỹ sư và nhân sự từng làm việc trong lĩnh vực in thạch bản và chip quang học cho các công ty như ASML và các công ty phương Tây khác. WSJ cho biết, một kỹ sư Trung Quốc đã rời ASML khoảng 1 thập kỷ trước với kinh nghiệm làm việc về một số phần mềm của công ty này, sau đó thành lập một công ty mới ở Trung Quốc.
Ngoài ra, một cựu nhân viên ở Đài Bắc của ASML cho biết tháng nào cũng nhận được yêu cầu từ các nhà tuyển dụng của Trung Quốc trong suốt 2 năm, sau khi rời ASML vào năm 2020. Kỹ sư này chia sẻ Huawei rất kiên trì và liên tục kết nối trên LinkedIn nhưng anh không phản hồi.
Tuy nhiên, ASML cho biết họ không thấy có dấu hiệu tuyển dụng bất thường với nhân viên và tỷ lệ nghỉ việc ở công ty cũng rất thấp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không có bất kỳ thông tin nào về tình trạng này, đồng thời việc tương tác giữa các công ty Trung Quốc với nhân tài từ nước ngoài cũng giống với doanh nghiệp ở các quốc gia khác.
Hiện tại, nhiều chính phủ đã hạn chế quan hệ đối tác học thuật và kinh doanh với Trung Quốc, hoặc đưa ra các chương trình xét duyệt kỹ lưỡng đối với các thương vụ mua lại của Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn tài trợ từ nhà nước cho các công ty Trung Quốc cho phép họ đưa ra mức lương vượt mức chi trả của các doanh nghiệp phương Tây.
Năm ngoái, Alon Raphael, CEO của công ty bán dẫn FemtoMetrix đã làm chứng trước Quốc hội Mỹ và cho biết bí mật thương mại của công ty ông đã bị “đánh cắp”, khi 3 nhân viên rời đi để thành lập một công ty bán dẫn ở Trung Quốc, mang theo hàng nghìn tài liệu.
Raphael cho biết đây là một ví dụ về “hành động đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ" từ Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rằng công ty của ông gần như không còn hoạt động và không thể huy động đủ vốn từ sau vụ việc kể trên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này tôn trong các quy tắc về sở hữu trí tuệ và bất kỳ cáo buộc nào về việc họ đánh cắp tài sản trí tuệ đều là vô căn cứ.
Các "ông lớn" siết chặt quy định
Tại Đài Loan, trụ sở của hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC, giới chức đã phê duyệt quy định mới vào năm 2022, cấm bất kỳ ai tiết lộ công nghệ quan trọng và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp của Đài Loan cho nước ngoài. Những người vi phạm có thể đối mặt với án lên tới 12 năm tù và khoản phạt lên tới 3 triệu USD.
Cách đây vài năm, Liang Mong Song, một cựu kỹ sư cấp cao tại TSMC và Samsung, đã gia nhập nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC và có lộ trình thăng tiến nhanh chóng khi làm việc ở trụ sở Thượng Hải. Được biết, công ty này đã giúp Huawei sản xuất bộ xử lý smartphone thế hệ mới nhất vào năm ngoái, với loại chip 7nm được dùng trong 1 trong những chiếc điện thoại mạnh nhất của hãng.
Tại Đức, các gương chuyên dụng do Zeiss - thành phần trung tâm của hệ thống máy in thạch bản của ASML, có kích thước bằng chiếc xe buýt. Công nghệ này hiện đại đến mức hầu hết du khách không được phép vào trụ sở chính của công ty, trong khi hình ảnh quảng cáo được chỉnh sửa cẩn thận để không tiết lộ bí mật thương mại.
Chính quyền Đức cũng lo ngại về những nỗ lực thu hút nhân tài của Trung Quốc với Zeiss. Khi Zeiss nghi ngờ về nỗ lực tuyển dụng của Trung Quốc, công ty này đã chia sẻ hồ sơ của nhân sự với giới chức. Dù không có ai nghỉ việc nhưng tình báo Đức vẫn mở một cuộc điều tra.
Sau đó, cơ quan điều tra phát hiện ra rằng Huawei cũng nhắm đến Trumpf, một công của Đức sản xuất bộ khuếch đại laser tạo ra nguồn sáng tập trung để chế tạo các chi tiết của chip. Tuy nhiên, Trumpf cho biết công ty này nhận thấy Huawei có nỗ lực tiếp cận các nhân sự nhưng không có kết quả.
Berlin gần đây đã thông qua luật cấm các nhà khai thác viễn thông sử dụng các thành phần do Huawei sản xuất trong các bộ phận nhạy cảm của mạng lưới Đức. Động thái này cho thấy quy định đã được siết chặt hơn so với những gì Mỹ áp đặt đối với Huawei vào năm 2020.
Tuy nhiên, điện thoại di động và các sản phẩm khác của công ty Trung Quốc này vẫn được bán tại Đức. Huawei điều hành 5 trung tâm nghiên cứu trên khắp nước Đức, chuyên về hệ thống quang học và các lĩnh vực khác.
Nhiều quan chức chính phủ nghi ngại rằng liệu họ có thể ngăn chặn tình trạng như vậy hay không. Luật mới khiến các công ty Trung Quốc khó thành lập tại Đức hơn với mục đích tuyển dụng nhân tài có khả năng sẽ thất bại, sau khi chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ.
Tham khảo WSJ