Báo cáo là ấn phẩm của VCCI được phát hành từ năm 2018 với mục tiêu điểm lại những vấn đề nổi bật của pháp luật kinh doanh Việt Nam hàng năm và phản ánh góc nhìn của doanh nghiệp đối với những chính sách được soạn thảo hoặc ban hành.
Báo cáo cũng phân tích một số vấn đề pháp lý quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh.
Báo cáo năm 2021 đã nhấn mạnh đến hai chủ đề là chất lượng của thông tư, công văn và không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, qua Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 các doanh nghiệp, hiệp hội sẽ nhận diện được các vấn đề pháp lý tác động đến hoạt động kinh doanh. Còn các cơ quan quản lý nhà nước nhận biết được quan điểm của doanh nghiệp đối với các chính sách soạn thảo, làm nguồn tham khảo cho các hoạt động soạn chính sách kế tiếp.
Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh, mặc dù Nhà nước luôn chú trọng cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh. Nhiều chương trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành. Đến nay hầu hết các bộ đã xây dựng phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản pháp luật hiện hành. Môi trường kinh doanh cũng đã thuận lợi hơn từ những đề xuất cắt giảm này.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Trong những đề xuất cắt giảm của một số bộ ngành, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức nên vẫn còn nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý.
Đáng lưu ý, trong hoạt động xây dựng chính sách năm 2021 doanh nghiệp lo ngại dường như đang có xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Hiện đang có những đề xuất áp dụng trở lại các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không phù hợp vốn đã được xóa bỏ hay thay đổi trước đây. Nhiều chính sách vẫn đang tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Nhìn lại dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, một số vấn đề còn tồn tại trong thông tư, công văn là 2 dạng văn bản liên quan sát sườn đến hoạt động của doanh nghiệp. Các quy định tại thông tư vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chưa hợp lý và khả thi. Mặc dù, những quy định này tưởng là “nhỏ” nhưng vì liên quan đến hoạt động hàng ngày, thường xuyên của doanh nghiệp, nên trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp.
Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề bất cập của công văn như: nội dung của công văn chưa rõ ràng, chính xác, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa các cơ quan thực thi, hay nội dung của công văn không đủ tin cậy.
Đây là những vấn đề tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và đặt ra tính chịu trách nhiệm của các cơ quan ban hành dạng văn bản này.
Ông Đậu Tuấn Anh nhấn mạnh, rất nhiều vấn đề pháp lý cần phải nhìn nhận lại, có những quy định trong pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh, gây khó khăn, bất cập rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn như thiếu vắng các quy định về bán thuốc online, khám bệnh từ xa, chế độ cho người làm việc ở nhà…
Báo cáo cũng ghi nhận nhiều băn khoăn về tính hiệu quả, thực chất của hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh.
Báo cáo còn chỉ ra nghịch lý, trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn như xuất khẩu gạo, thẩm định giá…