Hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Trường Đại học Luật TP.HCM, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Khoa Luật – Đại học Chiang Mai (Thái Lan), Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam và Tạp chí Luật Quốc tế Indonesia.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM – nhấn mạnh vai trò cấp thiết của phát triển bền vững trong bối cảnh ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tăng trưởng dân số nhanh, biến đổi khí hậu và bất ổn toàn cầu. Theo ông, để hướng đến một tương lai bền vững, các quốc gia ASEAN cần thúc đẩy hợp tác khu vực, hài hòa hóa pháp luật quốc gia với các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như tận dụng các thành tựu công nghệ tiên tiến.
Hội thảo là một diễn đàn học thuật quan trọng, nơi các chuyên gia luật, nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu trẻ cùng thảo luận sâu rộng về những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững tại ASEAN. Các nội dung tập trung vào việc tăng cường quan hệ quốc tế, cải thiện khung pháp lý khu vực, và tận dụng công nghệ để đối phó hiệu quả với các thách thức của toàn cầu hóa.
Các phiên thảo luận chuyên đề được tổ chức xoay quanh 5 nhóm chủ đề lớn: phát triển bền vững trong ASEAN; khung pháp lý khu vực và thách thức thực thi; chủ nghĩa khu vực và giải quyết tranh chấp; chuyển đổi số và phát triển bền vững; vai trò của thế hệ trẻ trong kiến tạo tương lai bền vững.
Tại mỗi nhóm chủ đề, các học giả đã phân tích sâu sắc các chính sách hiện hành, so sánh pháp luật quốc tế và đưa ra các mô hình khung pháp lý điều chỉnh hiệu quả. Các thảo luận chú trọng đảm bảo sự cân bằng giữa ba trụ cột của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường.
Một số vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm như cơ chế pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon và nông nghiệp xanh trong ASEAN; tiêu chuẩn pháp lý về đầu tư xanh trong các hiệp định thương mại như CPTPP, RCEP, và EVFTA; khung pháp lý về dữ liệu xuyên biên giới, chủ quyền số, trí tuệ nhân tạo; giải quyết tranh chấp đầu tư và quyền tiếp cận công lý môi trường cho cộng đồng bản địa; vai trò của thanh niên ASEAN trong đổi mới sáng tạo và thiết kế chính sách phát triển bền vững.
Đáng chú ý, nhiều đề xuất mang tính gợi mở cho chính sách và lập pháp tại Việt Nam đã được đưa ra như: xây dựng cơ chế “trọng tài môi trường ASEAN”, hoàn thiện khung pháp lý cho trái phiếu xanh và tài chính khí hậu, hay bổ sung điều khoản về mục tiêu phát triển bền vững trong các cam kết đầu tư song phương và đa phương.
Hội thảo không chỉ là nơi kết nối tri thức giữa các chuyên gia trong và ngoài nước, mà còn là cầu nối giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là minh chứng cho bước tiến mới trong tiến trình quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu của Trường Đại học Luật TP.HCM, đồng thời khẳng định vai trò của các học giả Việt Nam trong việc thúc đẩy một ASEAN xanh và phát triển bền vững hơn.