Doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết áp đảo cuộc đua phát hành trái phiếu

Lê Sáng | 07:44 27/04/2022

Trong tổng thể bức tranh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp đang áp đảo về số lượng phát hành cũng như tỷ lệ không có tài sản đảm bảo và kết quả kinh doanh kém khả quan.

Doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết áp đảo cuộc đua phát hành trái phiếu
Thống kê về trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2021. Nguồn: FiinRatings

Trong một báo cáo mới đây, FiinRatings đã đưa ra thống kê sơ bộ về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong năm 2021.

Thống kê này được tính toán từ báo cáo tài chính của 26 doanh nghiệp niêm yết và 152 doanh nghiệp chưa niêm yết trong lĩnh vực bất động sản dân cư có hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2021.

Theo đó, tổng giá trị trái phiếu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2021 đạt mức 308 nghìn tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý trong thống kê nói trên của FiinRatings là sự áp đảo tuyệt đối về mặt số lượng của các doanh nghiệp chưa niêm yết trong việc phát hành trái phiếu, gấp gần 6 lần (152/26).

Ngoài ra, ở tiêu chí "nhà phát hành trái phiếu có lỗ lũy kế tính đến năm 2020" và "có kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2020", số lượng doanh nghiệp chưa niêm yết cũng áp đảo hoàn toàn so với các doanh nghiệp niêm yết, lần lượt ở mức 64/1 và 58/0.

Đặc biệt, ở tiêu chí "nhà phát hành không có tài sản đảm bảo", các doanh nghiệp chưa niêm yết cũng chiếm số lượng gấp 3 lần các doanh nghiệp niêm yết, ở mức 21/7.

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp chưa niêm yết áp đảo gần như hoàn toàn trong bức tranh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang đặt ra những vấn đề đáng rất quan tâm.

Cụ thể, các doanh nghiệp chưa niêm yết sẽ không phải tuân thủ quy định về công khai thông tin, báo cáo tài chính kiểm toán như các doanh nghiệp đại chúng.

Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp còn mới mẻ và khá sơ khai, chưa được coi như một công cụ, chỉ báo cần thiết trong việc đưa ra quyết định lựa chọn các sản phẩm đầu tư, trong đó có trái phiếu của nhà đầu tư.

Nhận định về thực trạng trên, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện còn thiếu nhiều yếu tố quan trọng như nền tảng hệ thống thanh toán, khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực kế toán kiểm toán, đặc biệt là thiếu đơn vị xếp hạng tín nhiệm và quỹ tài chính.

Thực tệ cho thấy, trong thời gian qua, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên tài Tài chính ngân hàng phân tích, hiện nay Việt Nam đã có hai công ty xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp phép là Sài Gòn Phát Thịnh Rating (năm 2017) và FiinGroup (tháng 3/2020). Tuy nhiên, dù được cấp phép cách đây 3 năm nhưng Sài Gòn Phát Thịnh Rating chủ yếu xếp hạng tín nhiệm cho những công ty có vốn nước ngoài FDI, chưa xếp hạng cho những công ty làm chứng khoán ở trong nước.

Từ những vấn đề đặt ra nói trên, mới đây, tại một hội thảo, TS. Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Kinh doanh, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã cho rằng tới đây, các cơ quan chức năng cần sớm xem xét để đưa hoạt động xếp hạng tín nhiệm vào quy định của Luật.

Quy định của Nghị định 153 hiện nay là chưa đủ, chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó muốn phát triển thị trường vốn chuyên nghiệp thì phải sớm luật hóa hoạt động này, TS. Lê Đạt Chí nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết áp đảo cuộc đua phát hành trái phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO