Công ty CP Thủy Sản Sóc Trăng (STAPIMEX) vừa công bố báo cáo tài chính tổng hợp đã được kiểm toán năm 2024. Theo đó, doanh thu thuần năm 2024 đạt 8.331 tỷ đồng, tăng 17,3% so với mức 7.100 tỷ đồng năm 2023.
Tuy vậy lợi nhuận trước thuế chỉ tăng không đáng kể từ 503 tỷ lên 506 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 492 tỷ đồng, tăng 0,4% so với năm 2023 (490 tỷ đồng).
Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 70.237 đồng. Đây là mức EPS “vượt trội” trong nhóm doanh nghiệp ngành chế biến các sản phẩm về tôm.
Tổng vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2024 là 3.028 tỷ đồng, tăng 15,9% so với đầu năm (2.613 tỷ đồng). Với 7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (BVPS) lên đến hơn 430.000 đồng.
Hiện không có doanh nghiệp nào trên sàn có được các chỉ tiêu EPS và BVPS "khủng" như Stapimex - một phần là do công ty giữ vốn điều lệ khá thấp từ nhiều năm qua.
Ngoài hiệu quả kinh doanh, STAPIMEX cũng nổi bật với chính sách cổ tức hấp dẫn. Trong tháng 12/2024, Stapimex đã thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 2/2024 với tỷ lệ 60%, tương ứng 6.000 đồng/cp. Trước đó, trong tháng 7, Stapimex đã thực hiện chi trả tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2024 với tỷ lệ 50%. Như vậy, tổng tỷ lệ tạm ứng cổ tức trong 2 đợt năm 2024 là 110%.
Trong giai đoạn 2016-2022, công ty duy trì tỷ lệ cổ tức trên 50%, từ năm 2020 - 2023, con số này được tăng lên 100%. Chính sách cổ tức ổn định đã góp phần gia tăng lòng tin của cổ đông và sự gắn bó của đội ngũ nhân viên.
Năm 2024 cũng là năm thứ 2 liên tiếp STAPIMEX vượt qua Tập đoàn Thủy sản Minh Phú để trở thành công ty có lợi nhuận lớn nhất ngành tôm. Về mảng xuất khẩu, 2024 STAPIMEX tiếp tục giữ vững vị trí á quân về xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Theo VASEP, top 3 công ty xuất tôm lớn nhất sang Mỹ năm 2024 lần lượt là Stapimex, Sao Ta (Fimex) và Công ty Thủy sản Sạch. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ năm ngoái đạt 756 triệu USD, tăng 11% so với năm 2023.
Đây cũng có thể coi là những DN Việt xuất khẩu thực phẩm lớn nhất sang thị trường Mỹ, cùng với những doanh nghiệp top đầu của ngành cá tra như Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Vạn Đức Tiền Giang...
Không giống các đối thủ như Minh Phú, STAPIMEX không sở hữu vùng nuôi lớn, nhà máy thức ăn hay cơ sở sản xuất giống. Thay vào đó, công ty tập trung vào chế biến, tận dụng nguồn nguyên liệu từ các hộ nuôi nhỏ lẻ và hợp tác xã. Hiện tại, 40% nguyên liệu đầu vào của STAPIMEX đến từ 6 hợp tác xã trên diện tích hợp tác 500ha, phần còn lại được thu mua linh hoạt theo đơn đặt hàng.
STAPIMEX cũng đặc biệt chú trọng vào các tiêu chuẩn quốc tế như BAP, GlobalGAP và ASC, giúp sản phẩm của công ty đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường Mỹ, EU và Canada.
Năm 2023, với hơn 10.000 tấn tôm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Stapimex là đại diện Việt Nam duy nhất nằm trong Top 15 nhà cung cấp tôm hàng đầu tại xứ sở cờ hoa.
Chia sẻ trên Forbes Việt Nam, ông Tạ Văn Vững, Tổng giám đốc của Stapimex cho biết Công ty chỉ tập trung vào thu mua nguyên liệu về chế biến. Ông Vững giải thích cho việc này là vì không có nguồn lực để làm vùng nuôi, thức ăn, con giống, cũng như không có điều kiện vùng đất đai rộng lớn để thực hiện.
Tuy nhiên, sau 19 năm trở thành công ty đại chúng, Stapimex vẫn chưa niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Nếu niêm yết, công ty có thể huy động vốn cho dự tính đầu tư rộng hơn vào chuỗi giá trị như mở rộng vùng nuôi, xây nhà máy sản xuất thức ăn – yếu tố có thể chiếm hơn 50% giá tôm thương phẩm.
Mục tiêu niêm yết ở HoSE đã được nhắc đến trong hầu hết các báo cáo thường niên những năm gần đây của công ty, nhưng không cho thấy thời điểm cụ thể. Ông Vững lý giải: “Vốn tích lũy của công ty vẫn còn, việc duy trì hoạt động có thể vay ngân hàng với lãi suất thời gian qua có thể chấp nhận được”.