Nội dung chính:
- Chỉ số P/E ngành ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng tư nhân đang thấp hơn mức P/E của VN-Index.
- Cổ phiếu của nhóm Big 4 ngân hàng đều thuộc top 10 mã cổ phiếu có chỉ số EPS cao nhất ngành ngân hàng.
- Giá cổ phiếu các ngân hàng sẽ có nhiều biến động trong năm 2023, phụ thuộc vào cả yếu tố nội tại lẫn bên ngoài.
Cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm hơn 12% trong một năm nay, thấp hơn mức giảm 30,8% của VN-Index. Chứng khoán ACB nhận định đợt sụt giảm mạnh của thị trường trong năm 2022 đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn.
Cổ phiếu ngành ngân hàng diễn biến đồng pha với thị trường chứng khoán trong suốt năm 2022. (PJCBs là ngân hàng thương mại tư nhân, SOCBs là ngân hàng thương mại nhà nước)
Theo dữ liệu từ FiinPro, mức P/E trung bình của ngành ngân hàng là 8,34 lần - thấp hơn đáng kể so với mức P/E hiện tại của VN-Index là 13,5 lần. Chứng khoán Rồng Việt cho rằng định giá ngành ngân hàng đã về mức thấp nhất 10 năm qua.
10 ngân hàng có chỉ số P/E thấp nhất đều ở mức dưới 6 lần.
10 mã cổ phiếu ngành ngân hàng được định giá hấp dẫn nhất hiện nay. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
*Chỉ số P/E (Price to Earning ratio) là chỉ số chỉ mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu đó (EPS). Thông thường, giá thị trường của cổ phiếu sẽ tăng khi EPS tăng. Do đó nhà đầu tư thường xem xét các cổ phiếu có chỉ số P/E thấp với kỳ vọng mức giá sẽ tăng trong tương lai. Chỉ số P/E rất quan trọng trong việc xác định giá cổ phiếu đang đắt hay rẻ so với giá trị thực của nó.
Cổ phiếu của Ngân hàng SHB (mã CK: SHB) đang có mức định giá hấp dẫn nhất với chỉ số P/E là 3,89 lần - thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của ngành. Nghĩa là mức giá hiện tại của SHB tương đương gần 4 lần so với EPS của cổ phiếu.
Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của SHB đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2021. Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng của ngân hàng đã tăng hơn gấp rưỡi trong năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,69% hồi đầu năm lên 2,53% vào cuối năm.
Diễn biến giá cổ phiếu SHB, tính đến cuối ngày 8/3/2023.
Cổ phiếu SHB cũng thuộc top 3 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch cao nhất trong 3 tháng qua với gần 16,7 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Hiện giá cổ phiếu SHB đang giao dịch sát mức 10.000 đồng/cp.
Cổ phiếu Vietcombank có EPS cao nhất ngành
Chỉ số EPS (Earnings per Share) là lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu. EPS là một trong nhiều chỉ số được nhà đầu tư sử dụng để lựa chọn cổ phiếu, đánh giá khả năng sinh lời cũng như khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.
10 mã cổ phiếu có EPS cao nhất ngành ngân hàng. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Chứng khoán Mirae Asset đánh giá cả năm 2022, giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có mức giảm thấp hơn nhiều so với VN-Index và các ngân hàng thương mại tư nhân.
Đứng đầu về EPS năm 2022 là mã cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank với thu nhập trên mỗi cổ phiếu hơn 6.300 đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, lợi nhuận của Vietcombank đã tăng 36,3%. Mức giá cổ phiếu của ngân hàng này cũng tăng hơn 8% trong một năm qua, trái ngược với xu hướng giảm điểm chung của cổ phiếu ngành ngân hàng.
VCB hiện là một trong những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường nên mỗi phần trăm tăng giá của mã cổ phiếu này đều tác động lớn đến chỉ số VN-Index.
Diễn biến giá cổ phiếu VCB, tính đến cuối ngày 8/3/2023.
Hiện cổ phiếu VCB đang giao dịch ở vùng giá cao nhất lịch sử, hơn 92.000 đồng/cp.
Cổ phiếu của 2 ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 là BIDV và VietinBank cũng góp mặt ở vị trí thứ 7 và thứ 8 tại bảng xếp hạng 10 mã cổ phiếu có EPS cao nhất ngành ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2022, cổ phiếu BID của BIDV có mức EPS là 3.600 đồng, tăng 73% so với cùng kỳ - đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong top 10. Trong khi cổ phiếu CTG của Ngân hàng VietinBank chỉ tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, lên xấp xỉ 3.100 đồng.
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng do điều kiện vĩ mô không thuận lợi cũng như các sự kiện bất thường có tầm ảnh hưởng lớn (như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,...), cổ phiếu nhóm ngân hàng thương mại nhà nước được ưa chuộng hơn nhờ tỷ trọng tài sản rủi ro không cao và có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước trong quá trình hoạt động.
Triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2023
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng diễn biến giá cổ phiếu các ngân hàng sẽ có nhiều biến động trong năm 2023, phụ thuộc vào cả yếu tố nội tại lẫn bên ngoài như: thay đổi trong chất lượng tài sản, lãi suất và tỷ giá, sức khỏe của nền kinh tế và những biện pháp tháo gỡ khó khăn tạm thời cho ngành bất động sản.
Chứng khoán Yuanta đánh giá ACB và VCB có chất lượng tài sản ổn định thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Ngoài ra, 2 ngân hàng này gần như không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, điều này sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trước những lo ngại liên quan đến sản phẩm tài chính này.
Cổ phiếu MBB của MBBank và TCB của Techcombank cũng đang được giao dịch ở mức định giá tương đối thấp, tuy nhiên rủi ro đầu tư tương đối lớn do dư nợ của nhóm tài sản có rủi ro cao tại hai ngân hàng này khá lớn.
Theo ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group, hệ thống ngân hàng sẽ có phân hóa mạnh trong năm 2023. Ngân hàng quản trị rủi ro tốt, khẩu vị rủi ro phù hợp với định hướng thị trường, ở mức thận trọng, sẽ giữ vững hiệu quả hoạt động. Ngược lại, ngân hàng hướng đến hoạt động rủi ro cao sẽ chịu tác động lớn khi thị trường tài chính chưa phục hồi mạnh mẽ.