Nikkei Asia đưa tin, việc các quốc gia đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất ở nước ngoài từ Trung Quốc quay về trong nước hoặc chuyển sang các quốc gia có chính sách phát triển tương đồng đã tạo ra thách thức đối với vị thế hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu toàn cầu.
Từ năm 2015, Trung Quốc đã trải qua giai đoạn giảm sút trong hoạt động xuất khẩu toàn cầu, khi thị phần xuất khẩu giảm dần trong ba năm liên tiếp do tình hình thương mại chậm lại. Tuy nhiên, vào năm 2020, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh nhờ hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng của quốc gia này so với nhiều nơi khác vẫn duy trì tốt hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Xu hướng giảm sút xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tiếp diễn vào năm ngoái, tập trung chủ yếu vào các ngành lao động và sản xuất giá rẻ, vốn chiếm khoảng 26% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia này. Trong đó, xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp dệt may và da giày của Trung Quốc ghi nhận mức giảm sút sâu nhất. Thị phần nhóm ngành này của Trung Quốc trên toàn cầu giảm xuống còn 29% vào năm 2022, từ mức 39,3% vào năm 2015, và “miếng bánh” dần thuộc về một số nước Liên minh châu (EU) và ASEAN. Nikkei Asia đánh giá, Việt Nam dường như là nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ việc tái cấu trúc hoạt động xuất khẩu toàn cầu.
Không giống như ngành dệt may và da giày, hầu hết thị phần các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc trên toàn cầu vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng, đặc biệt là trong các ngành có chuyên môn cao và công nghệ. Theo đó, thị phần của Trung Quốc trong những ngành này, bao gồm máy móc và sản phẩm điện, đã tăng từ 17,9% vào năm 2015 lên 28,5% trong năm 2022.
Theo Nikkei Asia, mặc dù nhiều quốc gia trong EU và ASEAN đang mất thị phần xuất khẩu các ngành công nghiệp chất lượng cao trên thị trường toàn cầu, Việt Nam vẫn là một ngoại lệ đáng chú ý.
Nikkei Asia đánh giá, thị phần xuất khẩu các mặt hàng sản xuất sử dụng lao động giá rẻ của Trung Quốc giảm sút trên toàn cầu đã phản ánh sự chuyển đổi tự nhiên của nền kinh tế. Quốc gia này đã dần dịch chuyển chính sách phát triển, từ những ngành thâm dụng lao động sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và công nghệ lõi, thông qua quá trình tích lũy vốn, lao động chất lượng cao và công nghệ. Việc này không chỉ ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong nước mà còn có tác động lan truyền đối với các quốc gia khu vực khác.
“Trong số các thành viên của ASEAN, Việt Nam là một trong những nước đã được lợi nhiều nhất cho đến nay. Không chỉ có được một phần đáng kể thị phần xuất khẩu các lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động, vốn đang suy giảm ở Trung Quốc, Việt Nam cũng đang ngày càng liên kết chặt chẽ với các lĩnh vực mới nổi ở quốc gia này”, Nikkei Asia cho hay.
Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu ASEAN+3, kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về cơ cấu sản xuất. Do đó, Việt Nam có tiềm năng tiếp tục thay thế một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, vốn đang suy giảm do thuế quan tăng cao và các rào cản thương mại khác.
Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc tích lũy năng lực và tài nguyên cần thiết trong các ngành công nghiệp công nghệ cao sáng tạo. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đang ngày một gia tăng và dần tập trung vào các ngành công nghiệp chất lượng cao như điện tử, chất bán dẫn hay pin lưu trữ.
Nikkei Asia nhấn mạnh rằng, ngành xuất khẩu Việt Nam phát triển ngày càng mạnh đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ dễ bị tổn thương hơn đối với các cú “sốc” bên ngoài. Do đó, Việt Nam phải tăng cường khả năng linh hoạt của chuỗi cung ứng để bảo vệ trước những biến động có thể xảy ra.
Theo Nikkei Asia, ngoài Việt Nam, các nền kinh tế khác trong ASEAN cũng đã có lợi thế trên các thị trường xuất khẩu nhỏ hơn, đặc biệt trong các ngành sản xuất thâm dụng lao động, vốn đang suy giảm ở Trung Quốc. Kết quả này đáng ngạc nhiên khi ASEAN được kỳ vọng sẽ hưởng lợi đáng kể từ việc Trung Quốc mất thị phần xuất khẩu do căng thẳng địa chính trị và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
“Xuất khẩu của ASEAN đang gia tăng trong các ngành xuất khẩu công nghệ cao, tuy nhiên thị phần vẫn còn hạn chế. Song, ASEAN có tiềm năng đủ lớn để hưởng lợi từ những thay đổi như vậy trong bối cảnh thương mại toàn cầu”, Nikkei Asia cho hay.
Để hiện thực hóa tiềm năng của khu vực, các chuyên gia Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu ASEAN+3 đề xuất các nước ASEAN nên xem xét việc thực thi chính sách hỗ trợ để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai. Bên cạnh đó, lực lượng lao động cần được đào tạo với những kỹ năng phù hợp với sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc. Đồng thời, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ tăng cường sự linh hoạt.
Các chính sách như khuyến khích nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp mới trong các ngành công nghệ cao và cung cấp đào tạo nghề nghiệp sẽ có ích cho sự xuất hiện và phát triển của các ngành công nghiệp mới trong nền kinh tế ASEAN. Điều này, sẽ tạo điều kiện cho việc hội nhập vào chuỗi cung ứng đang phát triển, đặc biệt khi Trung Quốc đang trải qua quá trình nâng cấp công nghiệp của mình.
Cuối cùng, các chuyên gia của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu ASEAN+3 cho rằng, các nền kinh tế ASEAN cần đạt được sự cân bằng giữa sự phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc và mở rộng mạng lưới đối tác thương mại bằng cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung nhập khẩu.
Tham khảo: Nikkei Asia