Vào chiều 6/4, tại Hà Nội đã diễn ra họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3. Theo đó, tại buổi họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ thông tin, trong quý I/2025, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, Hoa Kỳ đột ngột công bố chính sách thuế quan đối ứng rất cao, gây căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu, tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.
Trong nước, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: (i) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (ii) Tập trung sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương; (iii) Rà soát, hoàn thiện các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng; (iv) Triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; (v) Chuẩn bị tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn.
Trong bối cảnh tình hình nêu trên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình KTXH tháng sau tốt hơn tháng trước, quý I năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, với các kết quả nổi bật.
Cụ thể, đánh giá về kết quả kinh tế của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, Tăng trưởng quý I/2025 đạt 6,93%, là mức tăng trưởng quý I cao nhất trong giai đoạn 2020-2025 và khá đồng đều trong cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ. Đặc điểm trong quý I, chúng ta tiếp tục duy trì được tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo và khá sát với kịch bản đã đề ra.
"Mức 6,93% này cao hơn mức Hội nghị Trung ương 10 quyết định ban đầu và thấp hơn so với kịch bản sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 123-KL/TW (mục tiêu cả nước đạt tăng trưởng năm 2025 trên 8%)", ông Trung cho hay
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 123-KL/TW đến nay, chúng ta không có nhiều thời gian và ngay trong quý I có rất nhiều ngày nghỉ, nhưng chúng ta đã đạt được kết quả 6,93%, gần sát với kịch bản tăng trưởng. Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, ghi nhận sự đồng hành của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị.
Ngay khi bước vào năm 2025, chúng ta đã nhận định đây là năm rất khó khăn, nhiều vấn đề khó lường, khó dự báo. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng và cho dù chúng ta tiếp tục gặp khó khăn ngay từ ngày đầu tháng 4.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, tại cuộc họp hôm nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu và quyết tâm không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của năm 2025, cố gắng phấn đấu đạt từ 8% trở lên. Đó là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tiếp theo cho từng ngành, từng lĩnh vực, phân bổ cho các địa phương và cho các khu vực. Tính chung, Bộ Tài chính xây dựng quý II đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8,3%, lần lượt quý III, quý IV là 8,3% và 8,4%. Kịch bản này tăng cao hơn kịch bản ban đầu sau khi có Kết luận 123-KL/TW khoảng 0,27%.
"Kịch bản này rất thách thức nhưng có lý do để chúng ta có thể đạt được", Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Thông tin thêm về lý do đưa ra mức tăng trưởng mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, lý do đầu tiên nằm ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Ngay từ quý I, công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,28%. Với kịch bản quý II, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 10,1%.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều giải pháp để khắc phục các chỉ tiêu đóng góp vào tăng trưởng chưa đạt yêu cầu như công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện, khí đốt… Ngoài ra, chúng ta thực hiện các giải pháp để thúc đẩy dư địa hiện nay, đóng góp cho tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công, tập trung thêm nữa vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đây là khu vực trong quý I đã mang lại đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Trong quý I, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách. Đây là dư địa, khu vực tiềm năng góp phần tăng trưởng.
"Để khẳng định lại, kết quả quý I tuy chưa đạt mục tiêu kịch bản cao nhưng chúng ta có cơ sở để tiếp tục phấn đấu và chúng tôi kỳ vọng, mong muốn là hơn 8% nên chúng ta lấy mốc 8% làm mục tiêu xây dựng các kịch bản tương tự, coi đấy là kịch bản cơ sở. Chắc chắn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cố gắng phấn đấu đạt cao hơn mức đề ra", ông Trung nhấn mạnh.
Liên quan đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cũng như khả năng thu hút đầu tư của cả năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I của Việt Nam cũng rất khá.
Theo đó, vốn đầu tư mới và điều chỉnh vốn, góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong quý I đã đạt gần 11 tỷ USD, tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, vốn thực hiện đã đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ, vốn FDI thực hiện riêng để đầu tư khoảng 4,96 tỷ USD; tăng 72% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm khoảng gần 62% tổng vốn đăng ký và tăng 26% so với cùng kỳ).
Đối với mục tiêu thu hút FDI cả năm, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhận định, các tổ chức quốc tế và các định chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo đó rất nhiều tổ chức đều hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách thuế của Mỹ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các quốc gia. Đây cũng là yếu tổ ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Mặc dù khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài.
"Mục tiêu năm 2025 vẫn là tăng 38-40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27-28 tỷ USD. Tôi tin với nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.