Điện khí tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức

Nhật Ý | 07:18 15/12/2023

Tại Việt Nam, khung khổ pháp lý hiện hành chưa hoàn chỉnh và nút thắt về giá là những thách thức lớn đối với dự án điện khí LNG.

Điện khí tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức
Kho cảng khí LNG Thị Vảitại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh điện khí, bảo đảm cân bằng thị trường, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Báo Điện tử VOV đã tổ chức diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" với sự tham gia của đông đảo khách mời.

Phát biểu tại diễn đàn, Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội khẳng định, việc phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm thúc đẩy. Nghị quyết số 55-NQ/TW "Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí.

Ông Thi cho rằng, sử dụng điện khí LNG phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay. LNG đóng vai trò là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch năng lượng sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội nêu rõ, cơ hội cho việc sử dụng LNG cho Việt Nam được đánh giá cao. LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào “Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21”.

Hơn nữa, trong tương lai, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và dân số, nhu cầu điện còn tiếp tục tăng trưởng cao. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu. Đây được coi là dư địa đầy tiềm năng để phát triển điện khí.

Ông Mai Xuân Ba, Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam PV GAS cho biết bên cạnh những thuận lợi, phát triển điện khí cũng có nhiều thách thức khi phần lớn các nhà đầu tư có xu hướng triển khai dự án theo cấu hình: “1 Trung tâm Điện lực (Nhà máy điện) + 1 Kho cảng nhập LNG”. Điều này dẫn đến không thể tận dụng hết nguồn lực hạ tầng sẵn có, lãng phí tài nguyên cảng biển, khó kết nối tạo thành một hệ thống hạ tầng LNG tổng thể chung.

Dự án LNG cần diện tích đất, mặt nước lớn, các dự án đường ống dẫn khí đi qua nhiều địa bàn dân cư và yêu cầu có diện tích đất lớn để bố trí hành lang tuyến ống theo quy định. Trong khi đó, hiện nay các quy hoạch ngành, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh/thành phố chưa cập nhật phù hợp Quy hoạch điện VIII nên dẫn tới khó khăn liên quan đến việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng thỏa thuận địa điểm/hướng tuyến…tốn nhiều thời gian và rủi ro kéo dài tiến độ dự án, ông Mai Xuân Ba nêu rõ.

Để góp phần phát triển điện khí, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý (nhất là các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính...) làm cơ sở để đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn.

Đồng thời, cần xây dựng chính sách cho ngành công nghiệp LNG đồng bộ và xuyên suốt (bao gồm phát triển hạ tầng LNG theo mô hình Kho cảng trung tâm - LNG Hub, cơ chế chuyển ngang giá khí LNG tái hóa từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, phê duyệt cước phí qua kho và đường ống đưa LNG đến nhà máy điện, nguyên tắc phân bổ LNG nhập khẩu cùng với các nguồn khí nội địa cho các nhà máy điện.


(0) Bình luận
Điện khí tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO