Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị Doanh nghiệp phát biểu tại Diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo quy hoạch Điện VIII” vừa mới diễn ra.
Nhận diện các thách thức lớn
Theo ông Phụng, việc phát triển điện khí LNG tại Việt Nam trong thời gian tới là vấn đề không cần phải tranh luận, bàn cãi nhiều mà vấn đề là hãy bàn luận về các giải pháp chính sách cũng như các công việc cần phải làm để thực hiện nó.
Việc phát triển điện khí LNG hiện nay đang gặp phải những thách thức lớn như: Thứ nhất, bản thân các dự án điện khí LNG gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, yêu cầu cao về kỹ thuật, suất đầu tư lớn, quy trình sản xuất kinh doanh chứa đựng nhiều công đoạn rủi ro và mức độ rủi ro cao hơn các dựa án điện truyền thống, giá thành sản xuất cao.
Thứ hai, cơ chế đàm phán giá điện với EVN đang thực hiện theo quy định của Bộ Công thương, trong khi đó giá khí LNG trên thị trường có biên độ thay đổi rất lớn.
Thứ ba, chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG cũng như các cam kết sản lượng điện mua hàng năm (do giá thành điện khí LNG cao hơn các nguồn điện khác), chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối điện của dự án,…
Thứ tư, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng, phương tiện vận chuyển và kho chứa LNG đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, đang trong giai đoạn lập kế hoạch cảng.
Thứ năm, nhiều vấn đề chưa được xem xét, thống nhất phương thức giải quyết như bỏ quy định về bảo lãnh chính phủ đối với các dự án điện nhưng chưa có hành lang pháp lý để có các biện pháp thay thế.
“Tôi đồng tình với những nhận định của các chuyên gia về những thách thức đang đặt ra đối với phát triển điện khí LNG ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những thách thức đó không thể không giải quyết được nếu như chúng ta có nhận thức đầy đủ, toàn diện, có sự thay đổi tư duy về giá điện. Và quan trọng hơn là sự quyết tâm cao của các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cùng nhau phối hợp, cộng tác để tháo gỡ các nút thắt, các vướng về chính sách, về quản lý thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình”, ông Nguyễn Văn Phụng nói.
Điện khí thực hiện theo cơ chế giá thị trường
Ông Nguyễn Văn Phụng đưa ra một số kiến nghị về chính sách và cơ chế quản lý giá, thuế, phí và lệ phí có liên quan đến chủ đề thúc đẩy phát triển điện khí LNG như sau:
Một là, về cơ chế giá điện: Theo quy định của Luật Giá (Luật số 16/2023/QH15 ngày 19/6/2023, hiệu lực từ 01/7/2024) thì giá bán điện thuộc Phụ lục 2 – Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, và thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực.
Theo Luật Điện lực hiện hành (Luật số 28/2004/QH11 ngày 03/12/2004, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại các năm 2012, 2018 và 2022) thì giá bán điện được quy định tại Điều 31 và Điều 62 của Luật này. Trong đó, giá bán lẻ điện được xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Riêng trường hợp ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo nơi chưa nối lưới điện quốc gia thì giá bán lẻ điện sinh hoạt do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt tại khu vực này do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Đối với khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ.
“Với các quy định pháp luật nêu trên, tôi cho rằng cần phải thống nhất cách hiểu và kiên quyết thực hiện 2 nội dung sau: Khẳng định rõ điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi”, ông Phụng nói.
Theo ông Phụng, cần phải loại bỏ tư duy lâu nay “các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang sử dụng để sản xuất ra điện như là than, nắng, gió, khí, dầu, thủy điện,… thuộc quyền sở hữu toàn dân, cho nên điện sinh hoạt của người dân phải để mức thấp nhất, thậm chí Nhà nước phải bù cho dân, thay đổi được tư duy này, chúng ta mới có cơ hội xóa bỏ tương quan bất hợp lý trong giá điện sinh hoạt lâu nay.
Đối với điện khí LNG, ông Phụng cho rằng, thực tế hiện nay đã cho thấy giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên than, nắng, gió, thủy điện. Do vậy, rất cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này được xây dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt.
Khung giá, mức giá cụ thể cần được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG (như chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG tại một thời điểm xác định là cơ sở), hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá LNG. Mức giá LNG luôn có những biến động, thay đổi lớn trên thị trường quốc tế vốn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nhưng do LNG chiếm cấu phần lớn trong giá thành điện nên hệ số điều chỉnh sẽ cho phép xử lý các biến động này, bảo đảm được quyền lợi của các bên trong thị trường điện khí LNG.