Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-EU năm 2023: “Phát triển Bền vững - Đích đến trong Hành trình Kiến tạo chuỗi Giá trị Tương lai” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức tại TP.HCM, vừa qua.
Theo đó, phát biểu tại Diễn đàn, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham Việt Nam: “Bằng cách thiết lập các Tiêu chuẩn Xanh toàn diện, Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu đáng tin cậy hơn, thu hút thêm dòng vốn của châu Âu”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, dư địa thúc đẩy thương mại và mở rộng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh chấu Âu (EU) giúp doanh nghiệp Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng còn rất lớn. Thế nhưng để tận dụng được cơ hội đó, các doanh nghiệp cần tập trung chuyển đổi để thích ứng với các yêu cầu Phát triển xanh, bền vững của khu vực này.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng của khu vực và toàn cầu với lợi thế cạnh tranh lớn từ vị trí địa kinh tế thuận lợi và hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia.
Sau đại dịch và các bất ổn địa chính trị đang đẩy nhanh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhiều đối tác lớn trên thế giới, trong đó có EU đang chủ trương đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung và lựa chọn Việt Nam như một điểm đến chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2022 đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 46,82 tỷ USD, tăng 16,7%, với 10 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Bước sang năm 2023, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm đã tác động đáng kể đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này.
Riêng quý 3/2023, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 15,12 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, sự suy giảm này được nhận định là tạm thời và đang có dấu hiệu cải thiện khi đà giảm đã chậm lại đáng kể (so với mức giảm 10% của quý 1 và 9,7% của quý 2/2023). Bên cạnh đó, kinh tế EU đang dần phục hồi với mức lạm phát tiếp tục được điều chỉnh sẽ là yếu tố hỗ trợ tiêu dùng hàng hóa tại khu vực trong thời gian tới; nhập khẩu cũng sẽ dần cải thiện khi tồn kho giảm và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã phát huy tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.
Kể từ sau EVFTA đi vào hiệu lực, đã có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu thị trường, hàng hóa Việt Nam dần mở rộng sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách tại Đông Âu, Bắc Âu, Nam Âu với tốc độ tăng trưởng ấn tượng; đồng thời, cơ cấu chủng loại mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU cũng ngày càng đa dạng; không chỉ tập trung vào các mặt hàng chủ lực như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị phụ tùng; giày dép; dệt may mà còn đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản.