Thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc một năm 2023 đầy biến động, chỉ số VN-Index tăng tốt trong giai đoạn đầu năm tuy nhiên sau đó đối diện với giai đoạn cuối năm đầy trồi sụt, lên xuống ngưỡng điểm 1.100 tới 8 lần.
Trong bối cảnh chung không thực sự thuận lợi, hoạt động niêm yết ngày càng trở nên ảm đạm hơn. Thống kê trong suốt năm 2023, HoSE và HNX chỉ đón thêm tổng cộng 9 cổ phiếu (PVP, ADP, SIP, HTG, SBG, KSV, PPT, DTG, VFS) và 2 chứng chỉ quỹ (ETF BVF VNDiamond và ETF MAFM VNDIAMOND) niêm yết mới. Đây là các cổ phiếu quy mô nhỏ và đa phần đã giao dịch trên UPCoM trước đó. Vì thế, với nhiều nhà đầu tư, những cái tên này không hẳn là “hàng mới”.
Mức tăng tốt nhất là 35% nhưng cũng có cổ phiếu mất 1/3 giá trị
Ngay đầu năm, 94,2 triệu cổ phiếu PVP của Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương đã chính thức giao dịch trên sàn HoSE vào phiên 17/1 với giá tham chiếu là 10.350 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hóa hơn 976 tỷ đồng. Trước đó, PVP đã giao dịch trên UPCoM từ năm 2016.
Sau gần một năm niêm yết trên HOSE, cổ phiếu PVP diễn biến tương đối khởi sắc. Chốt phiên 29/12, thị giá đạt 13.950 đồng/cp, tăng khoảng 35% so với giá chào sàn. Đây cũng là mức tăng tốt nhất trong nhóm cổ phiếu mới niêm yết trong năm qua.
Nổi bật trong nhóm tân binh niêm yết mới còn phải kể tới mã SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG. Gần 91 triệu cổ phiếu SIP chính thức chào sàn HOSE trong phiên 8/8 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 116.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá công ty khoảng 10.600 tỷ đồng. Cũng như PVP, trước đó cổ phiếu SIP đã đăng ký giao dịch trên UPCoM. SIP được thành lập từ tháng 10/2007, hoạt động kinh doanh chính của Công ty thuộc lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và khu dân cư.
Ngay trong ngày đầu niêm yết, thị giá tăng bốc 11,85%, để đóng cửa tại mức 130.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó SIP nhanh chóng gặp áp lực điều chỉnh, đặc biệt khi phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên gấp đôi được thực hiện. Áp lực bán ra mạnh đẩy giá giảm sâu tới đầu tháng 11, mất khoảng 22% so với giá đóng cửa phiên 8/8 (sau điều chỉnh) thì hồi phục trở lại. Chốt phiên 29/12, giá cổ phiếu đạt 63.600 đồng/cp, gần tương đương với mức giá đóng cửa phiên 8/8 và tăng khoảng 11% so với giá tham chiếu phiên đầu.
Thông tin thêm về phương án tăng vốn của công ty, sau hơn một tháng niêm yết tức giữa tháng 9/2023, SIP thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn, trong đó trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 45% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 55%, vốn điều lệ theo đó tăng gấp đôi lên 1.819 tỷ đồng.
Nhóm chứng khoán ghi nhận cái tên hiếm hoi niêm yết sau quãng thời gian dài im ắng. Hơn 80,2 cổ phiếu VFS của Chứng khoán Nhất Việt đã chính thức chuyển giao dịch từ sàn UPCoM sang niêm yết sàn HNX trong phiên 24/7 với giá tham chiếu 21.200 đồng/cp.
Song diễn biến thị giá VFS không thực sự khả quan. Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2023, thị giá VFS đạt 19.800 đồng/cp, tương ứng mất 10% sau nửa năm niêm yết trên HoSE.
Diễn biến "tệ" nhất trong nhóm tân binh niêm yết năm 2023 là cổ phiếu PPT của Công ty cổ phần Petro Times. Cổ phiếu chào sàn HNX vào phiên 26/6 với giá tham chiếu 16.100 đồng/cp. Kể từ thời điểm đó tới cuối năm, thị giá PPT duy trì xu hướng giảm điểm, kết phiên 29/12 còn 10.800 đồng/cp tương ứng mất 33% giá trị.
Toàn bộ các cổ phiếu trên đều là các gương mặt có phần "quen thuộc" với nhà đầu tư khi trước đó đều đã giao dịch trên UPCoM. Chứng khoán Việt Nam năm 2023 đón nhận duy nhất một gương mặt mới hoàn toàn là Công ty Cổ phần Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao SIBA (mã SBG). Theo đó, 25 triệu cổ phiếu SBG chính thức được giao dịch trên HoSE từ ngày 1/12/2023 với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên 15.000 đồng/cp, tương ứng mức định giá 375 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhanh chóng tăng vọt lên mức 19.250 đồng/cp sau hai phiên đầu tiên giao dịch rồi quay đầu giảm mạnh. Kết thúc phiên 29/12, thị giá SBG chỉ còn 15.700 đồng/cp, giảm 18% so với đỉnh nhưng vẫn tăng nhẹ 5% so với mức giá chào sàn.
Theo tìm hiểu, Siba Group được thành lập năm 2015, tiền thân là CTCP Cơ khí môi trường Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, môi trường, y tế… Đến năm 2022, Công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba, đồng thời chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng. Tại thời điểm 30/9/2023, Siba Group có 2 cổ đông lớn gồm CTCP Siba Holdings sở hữu 55,6% vốn điều lệ; ông Nguyễn Văn Đức (Chủ tịch HĐQT) sở hữu 6,06% vốn điều lệ. Riêng Siba Holdings còn là cổ đông lớn nhất nắm 40% vốn tại CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF) – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu “Heo ăn chay”.
Hai chứng chỉ quỹ ETF chào sàn HoSE trong năm qua diễn biến đều tương đối tích cực. Đầu tháng 4, hơn 5 triệu chứng chỉ quỹ ETF MAFM VNDIAMOND (mã FUEMAVND) chính thức lên sàn HoSE với giá tham chiếu NAV/chứng chỉ quỹ là 9.533,42 đồng/ccq. Đây là quỹ thứ 2 trên thị trường mô phỏng chỉ số tham chiếu VNDiamond. Tới cuối năm 2023, giá FUEMAVND đạt 10.858 đồng/ccq, tương ứng tăng 14%, tổng giá trị tài sản ròng đạt gần 301 tỷ đồng.
Đầu tháng 8, quỹ ETF thứ 3 mô phỏng rổ chỉ số "kim cương" chính thức niêm yết. Theo đó phiên 11/8, HoSE đưa 5,1 triệu chứng chỉ quỹ của Quỹ ETF BVFVN DIAMOND thuộc Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (mã FUEBFVND) vào giao dịch. Tuy nhiên không hoàn toàn khởi sắc như FUEMAVND, giá chứng chỉ quỹ FUEBFVND chỉ nhích nhẹ sau vài tháng lên sàn. Tại thời điểm 29/12/2023 , giá FUEVFVND đạt 11.119 đồng/ccq, quy mô cũng nhỏ hơn đáng kể với giá trị tài sản ròng hơn 44 tỷ đồng.
Một vài tên tuổi lên sàn UPCOM
Trong khi hoạt động niêm yết gặp khó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM với những điều kiện dễ dàng hơn. Trong số đó có thể kể tới những tên tuổi lớn như gã kỳ lân công nghệ VNG (mã VNZ), NovaConsumer (mã NCG), BCG Land (mã BCR) hay Tôn Đông Á (mã GDA).
Diễn biến những cổ phiếu này sau khi lên giao dịch tại UPCoM đối nghịch. Lỗi hẹn với HOSE, cổ phiếu NCG của Nova Consumer đăng ký giao dịch trên UPCoM từ phiên 9/11. Tuy nhiên thị giá đã để mất 2/3 giá trị sau không đầy 2 tháng, giảm từ mức giá tham chiếu 38.000 đồng/cp xuống còn 14.800 đồng/cp trong phiên 29/12. Thậm chí trong phiên giao dịch chào sàn chứng khoán, thị giá giảm hết biên độ 40%. Vốn hóa giảm gần 2.800 tỷ, rơi từ mức 4.550 tỷ xuống còn gần 1.800 tỷ đồng.
Với Tôn Đông Á (GDA), sau khi rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên HoSE vì kết quả kinh doanh của công ty không khả quan dẫn tới chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định, cổ phiếu GDA đã lên giao dịch tại UPCoM với giá tham chiếu phiên đầu tiên 7/9 là 30.000 đồng/cp. Dù vậy, giá cổ phiếu cũng không thoát khỏi những diễn biến khó khăn của thị trường chung trong giai đoạn cuối năm. Thị giá GDA đóng cửa năm 2023 đạt 25.200 đồng/cp, giảm 16% sau gần 4 tháng lên sàn.
Ngay đầu tháng 12, 460 triệu cổ phiếu BCG Land (BCR) chính thức lên sàn UPCoM với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức vốn hoá 5.520 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng như GDA, cổ phiếu BCR gặp áp lực điều chỉnh, kết phiên 29/12 đạt 10.200 đồng/cp, giảm 15% so với giá chào sàn.
Được biết, BCG Land là thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) phụ trách mảng bất động sản. Như vậy, ngoài BCG Land vừa giao dịch trên UPCoM, Tập đoàn Bamboo Capital còn có 2 công ty thành viên khác đang được niêm yết là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI, TCD) và Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco (DTG).
“Kỳ lân công nghệ” VNG cũng lên giao dịch trên UPCoM kể từ phiên 5/1/2023 với mã VNZ, giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 240.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá gần 350 triệu USD (~8.600 tỷ đồng). Thời điểm đó, khối lượng dư mua giá trần lên đến hàng chục nghìn đơn vị nhưng không có cổ phiếu nào được khớp lệnh trong suốt cả phiên giao dịch. Giai đoạn tháng 2 ghi nhận đà tăng mạnh của VNZ khi thị giá kịch trần nhiều phiên liên tiếp, lập đỉnh 1.358.700 đồng/cp trong phiên 15/2 sau đó quay đầu điều chỉnh. Kết phiên 29/12, thị giá còn 650.000 đồng/cp, mất 52% từ đỉnh song vẫn cao gấp 2,7 lần thị giá chào sàn.
Ngoài ra, sàn UPCoM trong năm 2023 đón không ít cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc và chuyển về đăng ký giao dịch, dễ dàng kể ra như IBC của Apax Holdings, nhóm cổ phiếu “họ” FLC (FLC, AMD, ART) hay TGG. Tuy nhiên hầu hết những mã này đều lập tức bị đình chỉ giao dịch sau khi chuyển xuống sàn UPCoM do vi phạm quy định nghiêm trọng.
Vắng bóng tên tuổi lên sàn, thị trường chứng khoán “thiếu hàng”
Có thể thấy bối cảnh thị trường không thuận lợi ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch chào sàn và niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp. Nguyên nhân do dòng tiền không còn dồi dào và chứng khoán không còn là kênh hút vốn dễ dàng.
Ở khía cạnh khác, cần nói rằng việc tạo hàng hoá mới cho thị trường chứng khoán phụ thuộc khá lớn vào tiến trình cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết, hay thoái vốn Nhà nước tại các DNNN qua sàn. Đáng tiếc, các hoạt động này đều rất hạn chế những năm gần đây. Đa phần các doanh nghiệp trong danh sách “chờ”, chưa thể thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn, cũng có quy mô nhỏ tại các địa phương. Những cái tên thực sự thu hút nhà đầu tư chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1. Lộ trình cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước cũng có nhiều vướng mắc và vẫn chưa hẹn ngày lên sàn. Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp "hot" để chờ đợi ngoài một vài cái tên như Thaco, TH True Milk, DOJI,… Những cái tên này cũng chưa có kế hoạch niêm yết trong tương lai gần.
Dù vậy, không thể phủ nhận triển vọng dài hạn lạc quan của chứng khoán Việt Nam nhờ tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao. Chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn ngay cả khi không còn môi trường tiền rẻ.