1 nước lùi 5 nước tiến, BRICS như ‘hổ mọc thêm cánh’: Sức ảnh hưởng trên toàn cầu thay đổi ra sao?

Anh Dũng | 15:54 02/01/2024

BRICS đang phát triển và gia tăng sức ảnh hưởng. Vậy một BRICS mở rộng liệu có trở thành đối trọng của phương Tây trên trường quốc tế?

1 nước lùi 5 nước tiến, BRICS như ‘hổ mọc thêm cánh’: Sức ảnh hưởng trên toàn cầu thay đổi ra sao?
Ảnh: Sergei Bobylev/dpa/picture alliance

Mặc dù có một trở ngại, các quốc gia thuộc khối BRICS vẫn có thể vượt qua. Đó là Argentina sẽ không gia nhập khối vào tháng 1/2024. Trong tuyên bố đăng trên X (trước đây là Twitter), chính phủ nước này thông báo huỷ bỏ kế hoạch gia nhập BRICS.

Tuy nhiên, BRICS vẫn sẽ có thêm 5 quốc gia mới gia nhập vào năm 2024. Đó là Ai Cập, Ethiopia cùng 3 cường quốc năng lượng là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iran.

Với việc kết nạp thêm thành viên, BRICS đang củng cố vị thế với tư cách là tiếng nói của các nước “Nam bán cầu” (Global South – thuật ngữ để chỉ các nước châu Phi, Mỹ Latinh và các khu vực đang phát triển ở châu Á). Nga sẽ là quốc gia chủ trì cho hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 10 tại Kazan. Và số nguyên thủ quốc gia trong hình sẽ nhiều gấp đôi so với trước đây.

Sự phát triển của BRICS đang gây chú ý trên toàn cầu. Từ năm 2001, từ viết tắt BRIC xuất hiện để chỉ một nhóm các quốc gia bao gồm Brazil, Nga, Ấn độ và Trung Quốc. Năm 2009, lãnh đạo các nước đã có cuộc gặp lần đầu tiên. Sau đó, Nam Phi gia nhập, trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên tham gia khối. BRIC lúc này được đổi thành BRICS.

Vượt khác biệt, tìm điểm tương đồng

Những thành viên mới cũng có một số những bất đồng nhất định. Tuy nhiên, mặc dù các quốc gia thành viên có những khác biệt, nhà khoa học chính trị Johannes Plagemann tại tổ chức nghiên cứu GIGA ở Hamburg cho biết, về cơ bản thì họ vẫn có sự đồng thuận. Ông cho biết các quốc gia này đều muốn một trật tự thế giới ít bị phương Tây chi phối.

Nhà khoa học chính trị Günther Maihold giải thích rằng tư cách thành viên của BRICS không thay đổi địa vị trong chính trị quốc tế. Nhưng vị trí này là cách để tránh đứng về một bên trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc, Nga và phương Tây.

Ảnh: Reddit

Nga hưởng lợi khi BRICS nâng tầm ảnh hưởng

Nhìn vào cách tiếp đón của Tổng thống Nga Valdimir Putin dành cho Saudi Arabia và UAE vào đầu tháng 12 là có thể nhìn thấy rõ điều này.

Theo chuyên gia Plagemann của GIGA, việc Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 sẽ mang lại một số lợi thế. Đầu tiên, quốc gia này sẽ chứng minh được rằng họ không hoàn toàn bị cô lập như phương Tây mong muốn.

Ông nói: “Và tất nhiên, điểm mấu chốt đối với Nga là có thể vượt qua phương Tây về mặt kinh tế, có thể tránh các lệnh trừng phạt một cách hiệu quả và thu được lời lãi khi bán nguyên liệu thô”.

Các biện pháp trừng phạt đang ngày càng thúc đẩy các quốc gia thành viên BRICS tìm kiếm giải pháp mới. Ví dụ, UAE đã sử dụng đồng nội tệ thay vì USD để thanh toán dầu và khí đốt đến Ấn Độ và Trung Quốc.

Mặc dù BRICS không có văn phòng trụ sở riêng, nhưng họ có tổ chức tài chính riêng. Đó là Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank - NDB). Ngân hàng này sẽ có thể huy động vốn sau khi các quốc gia giàu về tiền mặt như Saudi Arabia và UAE tham gia. Đây sẽ là nguồn tài trợ cho các dự án phát triển quốc gia và cũng có thể là một phương tiện giải quyết nợ chính phủ.

Chuyên gia Plagemann dự đoán sẽ còn nhiều sự thay đổi hơn nữa khi Global South trỗi dậy và phương Tây bị giảm dần sức ảnh hưởng.

Tham khảo DW


(0) Bình luận
1 nước lùi 5 nước tiến, BRICS như ‘hổ mọc thêm cánh’: Sức ảnh hưởng trên toàn cầu thay đổi ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO