“Rất nhiều chủ đầu tư hỏi rằng trong năm tới nên đầu tư gì. Theo tôi, nếu có tiềm lực, nên đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp. Đây dường như cũng là một trong những trọng tâm phát triển của rất nhiều chủ đầu tư trong thời gian tới”, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu của Savills Việt Nam, phát biểu tại buổi giới thiệu dự án Trung tâm Kho vận Sembcorp Quảng Ngãi hôm 24/11.
Bà Hằng nhận định trong bối cảnh thị trường bất động sản đang điều chỉnh, cùng với việc Việt Nam được dự báo tăng trưởng kinh tế tốt cả trong năm nay và năm tới, bất động sản công nghiệp, nhà kho, nhà xưởng xây sẵn sẽ là chủ đề thu hút xuyên suốt cho đến năm sau, sánh ngang bất động sản nhà ở.
Sức hút của bất động sản công nghiệp và cơ hội lớn tại miền Trung
Giữa lúc nhiều phân khúc bất động sản gặp khó, bất động sản khu công nghiệp lại hội tụ đủ yếu tố thuận lợi để phát triển. Sau đại dịch Covid-19, mọi hoạt động tại Việt Nam nhanh chóng được bình thường hóa, mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài trở lại. Việc ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp đồng thuê bắt đầu diễn ra và được hoàn thiện rất nhiều trong năm nay.
“Những chính sách đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp hết sức thuận lợi. Thuế thu nhập doanh nghiệp rất ưu đãi. Bên cạnh đó là xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do chính sách “Zero-Covid”, hoặc trước đó là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, bà Hằng lý giải sức hút của bất động sản công nghiệp.
“Chính sách phát triển nhà ở cho công nhân cũng được khuyến khích. Trước đây, các chủ đầu tư khu công nghiệp còn dè dặt. Nhưng hiện nay, Savills nhận thấy chính sách này đang gia tăng rất nhiều”, bà nói thêm.
Việt Nam cũng đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, khách thuê khi đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam cũng thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI. Bà Hằng đề cập tới một sự kiện đáng chú ý trong năm qua là Tập đoàn LEGO của Đan Mạch khởi công xây dựng nhà máy 1,3 tỷ USD tại Bình Dương.
Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư từ trước tới nay dồn tập trung vào miền Nam, sau đó là miền Bắc, dẫn đến tình trạng ngày càng khó đạt được các dự án ở hai miền này.
“Tại miền Bắc, công suất ở Hà Nội đã được lấp đầy từ rất lâu. Hướng quan tâm chuyển sang Bắc Ninh, Thái Nguyên, gần đây là Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Rất nhiều chủ đầu tư đã phải nhắm đến địa phận Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang. Có những thời điểm quỹ đất tại Bắc Giang không còn”.
“Một số nhà đầu tư thậm chí nghĩ đến Lạng Sơn – nơi không thực sự thuận lợi về đất đồng bằng. Nhưng khi đến Lạng Sơn, nhiều chủ đầu tư đặt câu hỏi: Tại sao không phải là miền Trung, là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam Quảng Ngãi?”, bà Hằng cho biết.
Theo Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, khu vực miền Trung hiện có rất ít dự án, đặc biệt phải “tìm trong mòn mỏi” mới thấy một nhà kho, nhà xưởng chuyên nghiệp. Trong khi đó, Chính phủ đang tích cực thúc đẩy phát triển hạ tầng cảng biển và đường xá tại miền Trung, kéo theo sự phát triển của các hoạt động sản xuất.
Dự án Trung tâm kho vận đầu tiên tại Quảng Ngãi
Nhận thấy tiềm năng đầu tư lớn chưa được khai thác của miền Trung, công ty Sembcorp của Singapore quyết định tiến hành dự án Trung tâm Kho vận Sembcorp Logistics Park tại khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, khởi công vào ngày 2/12/2022.
Đây là dự án nhà kho xây sẵn đầu tiên trong khu vực, hứa hẹn cung cấp cơ sở hạ tầng hiện đại, bền vững, đảm bảo an toàn và hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp. Dự án trưng bày 3 khối nhà kho một tầng hiện đại, với tổng diện tích đất là 6 ha và tổng diện tích sàn là 35.500 m2, dự kiến hoàn thiện vào quý IV năm 2023.
“Miền Trung Việt Nam sở hữu tiềm năng đầu tư lớn chưa được khai thác. Đây là nơi mang lợi thế của Hành lang Kinh tế Đông Tây, kết nối các đầu mối thương mại quan trọng ở các quốc gia thành viên”, ông Charles Chong, Giám đốc Phát triển Sembcorp tại Việt Nam chia sẻ.
Dự án Trung tâm Kho vận Sembcorp Quảng Ngãi mang lại lợi ích nổi bật về khả năng kết nối và tính tiếp cận cao, gần các trung tâm hậu cần như cảng biển (Sa Kỳ và Dung Quất), sân bay (Chu Lai và Đà Nẵng) và đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, mang đến cho doanh nghiệp sự kết nối trơn tru, thuận lợi để di chuyển hàng hóa.
“Chúng tôi nhận thấy có một làn sóng các nhà sản xuất đang quan tâm đến miền Trung Việt Nam. Chúng tôi tin rằng với vai trò người tiên phong, chúng tôi có thể phục vụ khách hàng trong làn sóng này”, ông Chong bày tỏ.