Theo một báo cáo do công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners công bố, thành phố Hàng Châu của Trung Quốc đứng đầu danh sách các điểm nóng với số lượng triệu phú tăng nhanh nhất. Báo cáo cho thấy con số những cá nhân sống ở thành phố này sở hữu trên 1 triệu USD tài sản có thể đầu tư đã tăng 105%.
Tính đến cuối năm ngoái, đã có tới 30.400 người sống ở Hàng Châu đạt được điều kiện nêu trên. Trong số đó, 98 người được gọi là triệu phú centi-millionaire - nắm giữ tài sản hơn 100 triệu USD, và 12 người là tỷ phú.
Như vậy, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế và sự hỗn loạn của thị trường, số lượng triệu phú đang tăng lên rất nhanh ở một số nơi trên thế giới – thậm chí là tăng đáng kể. Bám đuổi sát nút là Austin của Mỹ với 102%, Thâm Quyến của Trung Quốc với 98%, West Palm Beach của Mỹ với 90% và Scottsdale của Mỹ với 88%.
Đáng chú ý, Trung Quốc và Hoa Kỳ chiếm phần lớn vị trí trong top 10 với 3 thành phố. Một địa phương của Việt Nam là TP.Hồ Chí Minh cũng lọt vào bảng xếp hạng này với tỷ lệ 82%, xếp ở vị trí thứ 9.
Báo cáo của Henley & Partners đã khiến Hàng Châu (Trung Quốc) thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Không chỉ nổi bật với số triệu phú tăng nhanh nhất thế giới, nơi đây còn là điểm đến ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Hàng Châu là "thành phố không tiền mặt".
Việc thanh toán di động qua mã QR trên điện thoại thông minh có ở khắp mọi nơi Trung Quốc, nhưng đặc biệt phổ biến ở Hàng Châu.
Tại đây, mọi người ra ngoài mà không cần tiền mặt. Hiện tượng này được cho là nhờ sự phát triển rộng khắp của Alipay, một ứng dụng thanh toán di động do Alibaba phát triển tại đất nước tỷ dân.
Ở Hàng Châu, tất cả xe buýt, 98% taxi, hơn 95% siêu thị và hơn 80% nhà hàng đều có thể sử dụng Alipay để thanh toán. Ngoài ra, hơn 50 loại phí dịch vụ đô thị cũng có thể được thanh toán thông qua Alipay, bao gồm các tiện ích, viện phí, v.v. Thanh toán di động bao phủ hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống.
Chính điều đó đã khiến Hàng Châu đã trở thành "thành phố thanh toán di động" lớn nhất Trung Quốc và thậm chí là toàn thế giới.
Hàng Châu có hệ thống AI Brain quản lý toàn thành phố.
Hệ thống này được xây dựng dựa trên điện toán đám mây và dữ liệu lớn (big data). Hiện tại, công cụ này quản lý giao thông với có 1.300 đèn tín hiệu giao thông, 4.500 camera, hệ thống chỉ đạo trực tiếp hơn 200 cảnh sát giao thông của thành phố Hàng Châu.
Các tình huống giao thông và phương tiện di chuyển trên đường phố đều được theo dõi theo thời gian thực, lưu trữ đầy đủ trong bộ nhớ cơ sở dữ liệu. Hệ thống có thể thay đổi quy luật điều chỉnh đèn giao thông theo lưu lượng giao thông. Điều này đã dẫn đến những thay đổi tích cực.
Trong tương lai, hệ thống AI Brain sẽ được ứng dụng vào quản trị xã hội, quản lý đô thị và an ninh.
Hàng Châu là nơi sản sinh ra trà Long Tỉnh (Longjing), loại trà xanh nổi tiếng nhất ở Trung Quốc và luôn được xếp hạng cao nhất trong số 10 loại trà hàng đầu của đất nước tỷ dân. Kể từ thời xưa, thành phố này được mệnh danh là "Thủ phủ trà", sở hữu hàng loạt cơ sở sản xuất trà nổi tiếng. Văn hóa trà là một nét đặc trưng quan trọng của thành phố.
Hàng Châu cũng là trung tâm lịch sử sản xuất tơ lụa của Trung Quốc. Nơi đây luôn được coi là "Thành phố tơ lụa". Bạn sẽ thấy quần áo lụa và đồ nữ trang ở khắp mọi nơi. Lụa Hàng Châu mềm mại, sang trọng và tinh tế, là một món quà lưu niệm tuyệt vời mà mọi người thường mua tặng cho nhau.
Nơi đây tự hào có hai Di sản Thế giới – Tây Hồ và Đại Vận Hà.
Tây Hồ, biểu tượng của Hàng Châu, được coi là một trong những thắng cảnh đẹp nhất Trung Quốc. Năm 2011, nó được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Phong cảnh nơi đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa đền, chùa, đình, vườn, cây cảnh cũng như đường đắp cao và đảo nhân tạo.
Đại Vận Hà - kênh đào trị thủy dài hơn 1.800 km ở Trung Quốc, cũng vô cùng nổi tiếng. Đây là một trong những kênh đào nhân tạo dài nhất thế giới, chạy từ Bắc Kinh ở phía bắc đến Hàng Châu ở phía nam. Địa điểm đã được thêm vào Danh sách Di sản Thế giới vào năm 2014.
Ở thời hoàng kim, Đại Vận Hà bao gồm hơn 2.000 nhánh, nối liền 5 lưu vực sông lớn của Trung Quốc. Hệ thống kênh đào được xây dựng để cho phép vận chuyển thóc gạo dôi thừa từ vựa lúa ở châu thổ sông Trường Giang và sông Hoài tới kinh thành. Đại Vận Hà đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thông thương và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh phía bắc và phía nam thuộc miền đông Trung Quốc và ngày nay vẫn được sử dụng như một kênh giao thông.
*Nguồn: China Highlights