Anh Nguyễn Mạnh Thắng, chuyên gia ô tô, cũng là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam sở hữu VinFast VF8 vừa cùng 2 người bạn thực hiện hành trình xuyên Việt trên chiếc VinFast VF 8.
"Giống như dân công nghệ, mỗi khi có sản phẩm mới đều thích 'vọc vạch', khám phá, dân mê ô tô chúng tôi cũng luôn muốn trải nghiệm và thử thách những mẫu xe mới, đặc biệt đó lại là một mẫu xe điện thông minh như VF 8", anh Thắng chia sẻ về lý do đặt ra thử thách cho bản thân ở chuyến đi này.
Trước đó vào đầu năm 2022, anh Nguyễn Mạnh Thắng cũng đã có một chuyến xuyên Việt khác bằng VinFast VF e34 trong 48 giờ. Ở hành trình lần này anh quyết định hướng đến mục tiêu thách thức hơn là hoàn thành chuyến đi trong vòng 36 giờ.
Tuy nhiên, kết quả mà anh nhận được còn ấn tượng hơn thế. Anh Thắng cùng 2 người bạn (đi chung một xe) chỉ mất 28 giờ 33 phút để vượt qua quãng đường 1.752 km từ Gamuda Yên Sở (Hà Nội) đến tòa nhà Landmark 81 (TPHCM).
"Chúng tôi có 3 người, đều là những người nhiều kinh nghiệm, thay nhau lái trong toàn bộ hành trình, cứ mệt là đổi. Chân ga đều cũng rất quan trọng. Chúng tôi luôn duy trì tốc độ tối đa cho phép trên mỗi tuyến đường, ví dụ 120km/h trên cao tốc, 60km/h trên QL1A trong đô thị, 90km/h trên các tuyến đường ngoài đô thị", anh chia sẻ bí kíp để hoàn thành chuyến đi chỉ trong hơn 1 ngày đêm.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất khi xuyên Việt bằng xe điện là sạc xe cũng được nhóm của anh Thắng giải quyết một cách cực kỳ khoa học.
"Trong cả hành trình, chúng tôi sạc pin 8 lần (lên khoảng 80% dung lượng), mất tổng cộng gần 200 phút, thấp hơn một chút so với dự kiến 216 phút tính toán ban đầu.
Chúng tôi cũng tranh thủ lúc sạc pin để nghỉ ngơi, ăn uống. Nhưng do thời gian sạc khá ngắn, nhanh chỉ hơn 10 phút, chậm nhất là 31 phút, nên việc ăn uống chủ yếu là ở trên xe. Việc sạc cũng được tính toán rất kỹ về địa điểm và thời gian, chủ yếu chỉ dùng trụ 250kW (6 lần) và 150kW (2 lần). Ngay khi đến điểm sạc, người được phân công sẽ lập tức xuống xe để cắm điện. Nhanh và chính xác từng phút như thay lốp xe trong các giải đua F1 vậy", anh Thắng nói.
Sở dĩ nhóm của anh chọn cách sạc trong khoảng thời gian ngắn là vì theo kinh nghiệm sử dụng xe điện VinFast, anh thấy xe sạc rất nhanh khi dung lượng pin ở dưới mức 80%.
Tổng chi phí cho việc sạc pin là 1,292 triệu đồng. So sánh chi phí, một mẫu xe xăng cùng phân khúc sẽ phải mất khoảng 3,5-4 triệu đồng tiền nhiên liệu.
Chi tiết quá trình sạc pin chiếc VinFast VF 8 như sau:
1. Yên sở (Hà Nội) - Đền Cuông (Nghệ An) 257km tiêu thụ pin từ 100% xuống 34%: sạc lên 78% trong 20 phút.
2. Đền Cuông - Trạm dừng Thiên Phúc (Quảng Bình) 229km tiêu thụ pin từ 78% xuống 13%: sạc lên 80% trong 20 phút.
3. Trạm dừng Thiên Phúc - Trạm dừng Thái Hà, Phú Lộc (Huế) 250km tiêu thụ pin từ 80% xuống 6%: sạc lên 81% trong 32 phút.
4. Trạm dừng Thái Hà - Vincom Quảng Ngãi 182km tiêu thụ pin từ 81% xuống 21%: sạc lên 81% trong 30 phút.
5. Vincom Quảng Ngãi - Pvoil An Mỹ (Phú Yên) 252km tiêu thụ pin từ 81% xuống 5%: sạc lên 51% trong 26 phút.
6. Pvoil An Mỹ - Vincom Ninh Hòa 93km tiêu thụ pin từ 51% xuống 26%: sạc lên 81% trong 27 phút.
7. Vincom Ninh Hòa - Pvoil Liên Hương (Bình Thuận) 183km tiêu thụ pin từ 81% xuống 34%: sạc lên 81% trong 20 phút.
8. Pvoil Liên Hương - Pvoil Lagi (Bình Thuận) 150km tiêu thụ pin từ 81% xuống 41%: sạc lên 55% trong 10 phút.
Sau lần sạc cuối cùng, xe đủ pin chạy tới điểm cuối là tòa nhà Landmark 81 (TPHCM).
Anh Thắng cũng cho biết trong chuyến đi lần này, nhóm của anh cũng gần như không cần phải lo về hệ thống trạm sạc. So với tròn một năm trước khi xuyên Việt bằng VF e34, anh nhận thấy hạ tầng sạc của VinFast bây giờ đã “lột xác” hoàn toàn.
Dọc tuyến QL1A, cứ khoảng 100km lại có một trung tâm sạc lớn, rất thuận tiện. Còn trong các đô thị thì chỉ vài chục, thậm chí là vài km là đã có một trạm sạc.
Anh Thắng cho hay khi là một trong những người đầu tiên nhận VF 8 tại Việt Nam, có khá nhiều ánh mắt hoài nghi lo ngại. Nhưng với 20 năm trong ngành ô tô, anh có đủ kinh nghiệm để đánh giá một chiếc xe có tốt hay không, có đáng mua hay không. Và với VF 8, theo anh tầm giá ổn để sở hữu.
"Xe điện thông minh hơn xe xăng nên cũng phức tạp hơn xe xăng rất nhiều, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi thói quen để thích nghi và làm chủ nó. Giống như một chiếc máy tính, xe điện khi mới khởi động cũng cần thời gian để các phần mềm sẵn sàng, các tính năng “thức giấc”. Nếu vừa khởi động đã di chuyển ngay hoặc liên tục ấn các tổ hợp phím thì rất dễ bị lỗi. Hay như vấn đề sạc điện. Chỉ cần có kế hoạch trước cho mỗi chuyến đi thì ta sẽ luôn chủ động thay vì phải chạy theo phục vụ chiếc xe", anh nhận định.