Đi làm bằng xe bus, điện thoại hỏng không dám thay, cốc nước 60k quá xa xỉ: Cách người trẻ "cứu mình" giữa bão sa thải

Vân Anh | 20:36 03/06/2024

Mỗi người trẻ lại có cách tiết kiệm khác nhau giữa thời buổi kinh tế khó khăn và bão sa thải diễn ra khắp nơi.

Đi làm bằng xe bus, điện thoại hỏng không dám thay, cốc nước 60k quá xa xỉ: Cách người trẻ "cứu mình" giữa bão sa thải

Trong thời gian gần đây, khi kinh tế khó khăn và bão sa thải diễn ra khắp nơi, nhiều người trẻ đã chủ động sống tiết kiệm, cắt bớt các khoản tiêu dùng. Họ không chỉ muốn tạo cảm giác an toàn cho tài chính, mà còn là chuẩn bị sẵn tiền nong cho một ngày nào đó có thể bị rơi vào cảnh thất nghiệp.

Cùng lắng nghe một số người trẻ tâm sự về cách họ sống chắt chiu, để an tâm hơn giữa bão sa thải hiện nay.

Phải học cách ghi chép lại từng khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày

Công Đức (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ anh vốn là người không thích ghi chép lại từng khoản chi tiêu theo ngày. Trước đây, anh cho rằng mình có thu nhập tốt, lại đang tiết kiệm được nhiều chi phí do đang sống cùng nhà với bố mẹ, do đó chuyện phải kiểm soát tài chính chặt chẽ là không cần thiết. Thêm vào đó, Công Đức từng nghĩ việc ghi chép từng khoản tiêu dùng vụn vặt khá mệt mỏi và có thể ảnh hưởng đến niềm vui trong cuộc sống.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ giữa năm ngoái. Khi đó, những người đồng nghiệp xung quanh đồng loạt rơi vào bão sa thải, còn bản thân Công Đức bị cắt giảm lương. Điều này khiến chàng trai hoang mang hơn bao giờ hết khi nghĩ đến viễn cảnh có thể thất nghiệp.

Công Đức nhớ lại: "Mình nhận ra bản thân không thể cứ sống thoải mái, ung dung tiền nong như trước. Tình cờ giai đoạn này mình cũng tìm hiểu về quản lý tài chính nhiều hơn, nên đã có những thay đổi lớn tới cách bản thân tiêu tiền".

7540634e4ba8a7688eb8b2dee2df836a.jpeg
Ảnh minh hoạ

Bắt đầu cho sự thay đổi tài chính này là chàng trai buộc mình phải chia nhỏ thu nhập hàng tháng cho các mục đích khác nhau.

Công Đức chia sẻ: "Mình chia thu nhập hàng tháng theo công thức khá phổ biến là 50-30-20. Mình dành 30% thu nhập cho chi tiêu bắt buộc, là tiền biếu bố mẹ do đang ở cùng gia đình, xăng xe đi lại, chi phí dùng điện thoại,... 20% thu nhập mình dành cho nhu cầu giải trí, gồm đi du lịch, cafe, liên hoan cùng bạn bè,... Còn lại bao nhiêu mình dành cho tiết kiệm và đầu tư".

Để có thể đưa ra công thức tài chính phù hợp cho bản thân, trước đó Công Đức đã dành 2 tháng để ghi chép lại từng khoản tiêu dùng hàng ngày của mình - một việc mà trước đó chàng trai cực kỳ ghét bỏ, nhưng khi theo đuổi lại thấy hiệu quả vô cùng.

Công Đức cho hay: "Sau khi ghi chép chi tiêu, mình mới biết bản thân đã tiêu hoang phí như thế nào. Trước kia, mình nghĩ bản thân chỉ dành khoảng 10 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt là cùng, thế nhưng con số thực tế là 17 triệu đồng, tức gần gấp đôi so với tưởng tượng. Hay mình phát hiện bản thân đã bỏ tiền vào những khoản không bao giờ dùng đến, chẳng hạn mua bộ đồ chơi 3 triệu, hay cái mũ 500 ngàn đồng,... rồi vứt xó.

Nhìn chung, sau khi ghi chép chi tiêu hàng ngày, mình đã biết được hàng tháng, bản thân nên tiêu tiền cho các nhu cầu cuộc sống như thế nào. Đồng thời, mình bỏ đi được khá nhiều khoản chi tiêu theo kiểu 'ném tiền ra cửa sổ'".

Không còn mua nước 60-80k đồng/cốc, chuyển sang dùng xe bus đi làm

Đó là câu chuyện của Nhật Linh (23 tuổi, Hà Nội). Cô nàng chia sẻ vào cuối năm ngoái, thu nhập từ công việc giáo viên bị giảm một nửa do một trong những trung tâm tiếng Anh cô dạy phải đóng cửa.

Đây đích thực là động lực để cô nàng học cách sống tiết kiệm hơn, cắt bỏ một số khoản tiêu dùng. Trong thời điểm đó, Nhật Linh đã hạn chế ăn ngoài hàng quán và mua quần áo cùng bạn bè, dù đây từng là hoạt động yêu thích của cô nàng. Theo đó, Nhật Linh chỉ đi ăn ngoài 1-2 lần/tháng, quần áo thì có khi 2-3 tháng mua mới 1 lần.

0d1e678d3618ea4efed324bcb5a7e0a4.jpeg
Ảnh minh hoạ

"Tiền lương giảm nên để đảm bảo quỹ dự phòng cho ngày thất nghiệp vẫn được giữ nguyên thì mình phải sống tiết kiệm. Cũng vì thế, cốc nước giá 60-80 ngàn đồng hay chiếc áo giá 500 ngàn đồng trở thành món đồ xa xỉ.

Để tránh việc tiêu quá lố, mình đã buộc bản thân phải bỏ chúng hoàn toàn, thay vào các lựa chọn hợp ví hơn như uống nước lọc và mua quần áo giá rẻ trên sàn thương mại điện tử", Nhật Linh nói.

Không chỉ cắt giảm nhiều khoản tiêu dùng, Nhật Linh còn từng chuyển từ đi xe máy sang dùng xe bus đi làm - một quyết định khiến cô tiết kiệm được đến vài trăm ngàn đồng mỗi tháng.

Nhật Linh chia sẻ: "Mình ở ngoại thành Hà Nội, chỗ làm của mình ở khu Cầu Giấy. Mình tốn 400 - 500 ngàn đồng/tháng cho tiền xăng nếu di chuyển bằng xe máy. Mình đã chuyển sang đi vé tháng của xe bus, tận dụng ưu đãi khi còn là sinh viên nên chỉ mất khoảng 100 ngàn đồng/tháng. 

Tất nhiên, khi di chuyển bằng xe bus đi làm thì mình có nhiều cái bất tiện như thời gian di chuyển tốn thêm 1-2 tiếng/ngày tuỳ tình hình giao thông, không có sự linh hoạt so với tự đi xe máy,...

Tuy nhiên, đổi lại mình tránh được cái nóng và cái mưa, bớt đau ví tiền và khá an toàn. Thêm vào đó, khoảng thời gian ngồi trên xe bus mình cũng tranh thủ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc ở trung tâm. Bởi lên xe là mình ngồi xuống, chứ không phải lái xe đi đường như khi đi xe máy.

Thời ấy, với một đứa sinh viên mới ra trường như mình thì tiết kiệm được từng đồng bạc nào đều đáng quý. Mình di chuyển bằng xe bus được gần 1 năm thì cũng quay lại đi xe máy. Dẫu vậy, đi làm bằng xe bus cũng là trải nghiệm đáng nhớ với mình".

ea486a0bf4b102a60ea3ecc3367fc763(1).jpeg
Ảnh minh hoạ

Xài đồ cũ đến hỏng mới chịu thay

Thục Hạnh (24 tuổi, Bắc Ninh) chia sẻ giữa thời buổi kinh tế khó khăn, cô nàng luôn cố gắng tận dụng lại đồ cũ, thay vì mua mới vô tội vạ. Nhớ lại thời điểm giữa năm ngoái, Thục Hạnh nghe loáng thoáng mình rơi vào danh sách có thể bị sa thải của công ty. Cũng vì thế, suốt thời gian dài cô đã cắt giảm khoản chi tiêu mua mới đồ đạc, nhằm tiết kiệm một khoản tiền nếu chẳng may thất nghiệp.

Thục Hạnh cho hay: "Cái gì mà tận dụng được mình sẽ không thay mới. Từ quần áo, mỹ phẩm đến đồ điện tử, mình đều chỉ mua mới khi chúng đã quá cũ, hoặc hỏng hóc đến mức không thể sử dụng được. Trước đó, mỗi tháng mình thường bỏ 7-8 triệu đồng cho nhu cầu giải trí và mua sắm linh tinh thì giờ mức chi chỉ còn khoảng một nửa.

Đỉnh điểm là mình có điện thoại đã bị sọc màn và loa bị hỏng. Đồng nghiệp nhìn điện thoại của mình chỉ biết lắc đầu, khuyên mình đổi máy mới. Nhưng mình vẫn kiên trì dùng máy này cho đến đầu tháng 3, vừa nhận thưởng Tết nên dư dả tiền bạc đổi chút thì mới đổi máy".

Thục Hạnh nhận định thêm, để vượt qua những ngày bất ổn này, bạn cần cố gắng tích luỹ tiền nong để tạo rào bảo vệ trước những biến cố khó lường.

"Nhiều người từng hỏi tại sao mình lại sống tiết kiệm như thế? Nguyên nhân là mình biết chỗ đứng của bản thân trong công ty không hề vững, do đó mình cần xây được quỹ dành cho trường hợp khẩn cấp. Chỉ khi nhìn số dư trong tài khoản, mình mới cảm thấy yên tâm và chấp nhận tương lai có thể biến động", cô nàng bày tỏ.


(0) Bình luận
Đi làm bằng xe bus, điện thoại hỏng không dám thay, cốc nước 60k quá xa xỉ: Cách người trẻ "cứu mình" giữa bão sa thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO