Đặc phái viên của Tổng Bí thư mở "cánh cửa thép", Thủ tướng chỉ đạo thành lập ngay đoàn đàm phán

Minh Hằng | 10:48 11/04/2025

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đặc phái viên của Tổng Bí thư mở "cánh cửa thép", Thủ tướng chỉ đạo thành lập ngay đoàn đàm phán
Thủ tướng yêu cầu thành lập một đoàn đàm phán với phía Mỹ. Ảnh: VGP

Vừa qua, trong chuyến làm việc tại Mỹ, Đoàn công tác đặc biệt Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi, thảo luận với Chính phủ Mỹ để đi đến thống nhất sẽ tiến hành đàm phán một thoả thuận thương mại song phương giữa hai quốc gia.

Đặc biệt, hai nước đã chính thức đồng ý sẽ đàm phán nội dung về thuế quan. Đây là trụ cột quan trọng nhất của Hiệp định này.

Đây được coi là bước đột phá lớn nhất trong suốt những ngày vừa qua mà Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam đã đạt được với Chính phủ Mỹ. Nguyên nhân là trước đó nội dung về ký hiệp định thương mại song phương mà phía ta đưa ra nhiều lần nhưng Mỹ chưa đồng ý.

Như vậy, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã mở "cánh cửa thép" và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao cho đoàn công tác đặc biệt. 

Thủ tướng chỉ đạo thành lập đoàn đàm phán 

thu-tuong-doan-cong-tac.jpg
Thủ tướng yêu cầu thành lập đoàn đàm phán với Mỹ do Bộ trưởng Công Thương là trưởng đoàn ngay trong ngày 11/4. Ảnh: VGP

Chiều qua (10/4) Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ để thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ứng phó chủ động, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Mỹ và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu trong ngay trong hôm nay (11/4), thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Ngoài ra, các Bộ: Công Thương, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục tham khảo ý kiến bạn bè quốc tế; cũng như bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với các nước và không để gian lận thương mại.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ, về công việc sắp tới, cần tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình phức tạp hiện nay và kịp thời đề xuất, thực thi chính sách.

Theo Thủ tướng, mục tiêu cụ thể trước hết là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách. Thứ hai, ổn định tâm lý nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp, người dân thích ứng linh hoạt với tình hình mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường, thúc đẩy đầu tư của nước ngoài, thu hút FDI tốt hơn, chất lượng hơn.

cuoc-hop-.jpg
Thủ tướng chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Về quan điểm, theo Thủ tướng, phải đặt công việc này trong tổng thể chung phát triển đất nước, quan hệ quốc tế của Việt Nam, không để ảnh hưởng tới tổng thể 17 FTA đã ký kết với trên 60 thị trường trên thế giới; đồng thời xử lý vấn đề này không ảnh hưởng vấn đề khác, ứng xử với đối tác này không để ảnh hưởng tới đối tác khác.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, xem đây là thời cơ để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, tuần hoàn, phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, toàn diện. Ngoài ra, đây cũng là thời cơ để tái cấu trúc lại doanh nghiệp, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy doanh nghiệp lớn lên, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý thêm yêu cầu không để xảy ra thất nghiệp. Đồng thời rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, kế thừa các chính sách trước đây để thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm đối tượng hỗ trợ chuẩn xác, có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, mức độ và nguồn lực hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chỉ đạo các giải pháp nhanh, kịp thời, nhất quán, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; cái gì trước mắt phải làm ngay và cái gì lâu dài thì làm từng bước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đặc phái viên của Tổng Bí thư mở "cánh cửa thép", Thủ tướng chỉ đạo thành lập ngay đoàn đàm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO