Dự thảo Luật NSNN: Tăng quyền tự chủ cho ngân sách địa phương

Hải Sơn | 11:13 11/04/2025

Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước hướng tới phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời tạo điều kiện cho ngân sách địa phương có tính tự chủ, chủ động hơn trong việc huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo Luật NSNN: Tăng quyền tự chủ cho ngân sách địa phương

Ngày 11/4/2025, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Dự án sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, cơ quan Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng phòng Ngân sách tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Luật Ngân sách nhà nước hiện nay được ban hành từ năm 2015. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau hơn 8 năm thực hiện, Luật đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước một cách hiệu quả, minh bạch, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, với những thay đổi về kinh tế, xã hội, quốc tế, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

thu-truong-ho-sy-hung.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, quan điểm xây dựng dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được cơ quan soạn thảo xác định rất rõ. Việc sửa đổi toàn diện Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; luật hoá những vấn đề đã rõ, phù hợp với thực tiễn; quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc sửa Luật thúc đẩy sự phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt, nâng cao sự tự chủ của các địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương tự chịu trách nhiệm”. Đồng thời, kế thừa và phát huy những thành tựu của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trên tinh thần đó, dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) tập trung giải quyết 4 vấn đề trọng tâm.

Thứ nhất, đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo hướng tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, đồng thời tạo điều kiện cho ngân sách địa phương có tính tự chủ, chủ động hơn trong việc huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi các quy định về phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp trong việc sử dụng ngân sách, ưu tiên bố trí nguồn lực cho những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ ba, tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách. Dự thảo Luật tăng thẩm quyền cho Chính phủ trong việc quyết định điều chỉnh dự toán thu, chi của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không làm tăng mức vay, bội chi NSNN, tăng thẩm quyền cho UBND các cấp ở địa phương quyết định điều chỉnh dự toán chi NSĐP, sau đó mới báo cáo lại cấp có thẩm quyền.

Việc xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành NSNN được sửa đổi theo hướng: bỏ quy định thứ tự ưu tiên khi phân bổ số tăng thu và các khoản dự toán chi còn lại của cấp ngân sách, đồng thời mở rộng phạm vi được sử dụng nguồn lực này (bổ sung tăng dự phòng ngân sách và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được bố trí dự toán ngân sách năm sau).... nhằm nâng cao hiệu quả, tính kịp thời trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Thứ tư, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tối ưu hóa quy trình, thủ tục trong công tác lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách, như: cắt giảm các thủ tục liên quan đến quy trình xây dựng và thông báo số kiểm tra thu, chi ngân sách hằng năm và 03 năm; quy trình xây dựng và báo cáo kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm; trình tự và yêu cầu lập dự toán chi, nhất là đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách; rút ngắn thời gian tổng hợp, lập quyết toán ngân sách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dự thảo Luật NSNN: Tăng quyền tự chủ cho ngân sách địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO