Đèo Cả “rộng cửa” làm đường BOT Hữu Nghị - Chi Lăng

Lê Sáng | 07:21 12/11/2023

Tập đoàn Đèo Cả hiện là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ đầu tư thực hiện dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng chi phí đầu tư 10.620 tỷ đồng.

Đèo Cả “rộng cửa” làm đường BOT Hữu Nghị - Chi Lăng
Đèo Cả hiện là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ đầu tư thực hiện dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Ảnh phối cảnh minh họa - nguồn: Int

Thông tin này được UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra trong báo cáo về tiến độ triển khai Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT vừa được tỉnh này gửi tới Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn - trong vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã hoàn thành thủ tục khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án. Kết quả khảo sát có một nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, địa chỉ: 32 Thạch Nhị Thanh, phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM.

Đáng chú ý, dù theo UBND tỉnh Lạng Sơn, doanh thu thực tế của Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BOT thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu.

Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận là nhà đầu tư đề xuất Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngày 12/4/2023, nhà đầu tư đề xuất dự án đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT và trình thẩm định.

Hiện nay, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và Hội đồng thẩm định cấp cơ sở đã tổ chức họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào ngày 15/9/20232 .

Đến nay, nhà đầu tư đề xuất dự án đã chỉnh sửa hoàn chỉnh hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi theo ý kiến thẩm định, dự kiến sẽ phê duyệt trong tháng 11/2023, sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được phê duyệt.

“Do công tác tổ chức lập, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo ý kiến thẩm tra, thẩm định của Nhà đầu tư đề xuất dự án còn chậm so với kế hoạch nên việc hoàn thành công tác lựa chọn Nhà đầu tư và khởi công dự án vào cuối năm 2023 sẽ khó khả thi”, báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin.

Trước đó, liên quan đến việc tách Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án BOT, theo thông tin từ Sở KHĐT tỉnh Lạng Sơn, vào ngày 26/10/2022, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì tổ chức họp với các cơ quan liên quan về việc triển khai Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT và kết luận giao các cơ quan liên quan tham mưu thực hiện thủ tục tách dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thành dự án độc lập với tên dự án là Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT

Sau đó, vào cuối tháng 11/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1889/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km1+800 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BOT. Trong đó, loại bỏ phạm vi Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) ra khỏi Dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, hình thành dự án độc lập là Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

Ngày 30/12/2022 Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên tại Nghị quyết số 41/NQ-HĐND.

Ngày 11/9/2023, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin về Công văn số 4644/VP-KT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Trọng Quỳnh về việc đẩy nhanh tiến độ các công việc triển khai thực hiện Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

Theo văn bản trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT trên cơ sở các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn để tổ chức họp Hội đồng thẩm định; trình phê duyệt dự án trong tháng 9/2023.

Ngay sau đó, ngày 19/9/2023, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thông tin về Công văn số 4592/VP-KT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Trọng Quỳnh về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để phê duyệt Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

vp-ubnd-tinh-ls.jpg
Nguồn: Ảnh chụp màn hình

Theo nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Nhà đầu tư đề xuất dự án) phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định cấp cơ sở tại buổi họp thẩm định ngày 15/9/2023.

Liên quan đến dự án Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, vào tháng 9/2023, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có công văn số 9949/BGTVT - CĐCTVN gửi Văn phòng Chính phủ để tham gia ý kiến về đề xuất mới đây của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc điều chỉnh phương án đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương đối với Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo các thông tin công bố, Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP. Lạng Sơn với tổng chiều dài khoảng 60 km; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có chiều dài khoảng 17 km.

Trong giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ đầu tư xây dựng tuyến theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam đầu tư xây dựng theo quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m.

Sơ bộ tổng vốn đầu tư: giai đoạn phân kỳ là 10.620 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.620 tỷ đồng (chiếm 52,92% tổng mức đầu tư), vốn nhà nước trong dự án PPP khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 47,08% tổng mức đầu tư), trong đó vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng.

Giai đoạn phân kỳ có thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025; hoàn thành trong năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án (giai đoạn phân kỳ) dự kiến khoảng 27 năm 4 tháng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đèo Cả “rộng cửa” làm đường BOT Hữu Nghị - Chi Lăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO