Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét có tổng chiều dài tuyến gần 7km, đi qua địa bàn các xã Hương Hóa và Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM. Đây là dự án đầu tiên trên hệ thống đường sắt quốc gia được triển khai từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc.
Dự án này do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, gồm 2 gói thầu: gói thầu xây dựng 2 hầm đường sắt, tổng chiều dài 935m và gói thầu thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại, thời gian thi công 22 tháng.
Cung đường sắt đèo Khe Nét khi chưa cải tạo là “nút thắt cổ chai” trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Đoạn đường đèo Khe Nét nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình, được xây dựng từ thời Pháp ở địa hình rừng núi quanh co, phức tạp, ray mòn nhanh. Các đoàn tàu qua đèo chạy với tốc độ thấp khoảng 30km/giờ, hạn chế rất nhiều về năng lực khai thác. Đoạn đường này là một trong những điểm nghẽn về vận tải trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Sau khi cải tạo, đường sắt khu vực đèo Khe Nét sẽ cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải.
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các cơ quan tham mưu của Bộ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, không để xảy ra tham nhũng, thất thoát trong quá trình triển khai.
“Trên tuyến đường sắt thống nhất vẫn còn một số điểm nghẽn như khu gian Hòa Duyêt - Thanh Luyện; khu vực đèo Khe Nét, đèo Hải Vân… Việc đầu tư các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt. Việc hoàn thành dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến đường sắt thống nhất khu đoạn Vinh - Đồng Hới”, ông Huy nói.
Đại diện Quỹ hợp tác EDCF tại Việt Nam, Trưởng đại diện Jin Saeun cho biết, thông qua Quỹ hợp tác, Chính phủ Hàn Quốc cung cấp khoản vay ODA trị giá 78 triệu USD để tài trợ các dự án cải thiện tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu.
“Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét là dự án đầu tiên của EDCF trong lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam. Dự án này được mong đợi sẽ củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực đường sắt giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc; góp phần chuyển giao công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc trong lĩnh vực đường sắt cũng như củng cố mối quan hệ kinh tế giữa hai Chính phủ”, ông Jin Saeun nhấn mạnh.
Đại diện cho các nhà thầu, ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Tập đoàn đã tối ưu công tác quản trị dự án, ứng dụng cải tiến phương pháp đào, kiểm soát tốt vật tư, vật liệu, nhân công... Từ đó, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Các nhà thầu cũng phấn đấu đưa dự án về đích vào tháng 12.2025
Liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu chính của dự án
Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét có tổng tuyến đường có chiều dài 6.819m, trong đó xây mới: 4.564m và cải tạo 2.255m. Công trình chính bao gồm 2 hầm, 3 cầu và 1 ga tàu.
Dự án gồm 2 gói thầu, với gói XL01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt, tổng chiều dài 935m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm 1 dài 620m, hầm 2 dài 393m, khổ hầm 10m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.
Gói XL02 thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng Công ty công trình đường sắt (RCC) thực hiện, thời gian thi công 22 tháng.
Giao thông Đèo Cả (HHV) lợi nhuận tăng, nhưng mắc kẹt với khoản nợ hơn 1,1 tỷ USD
Báo cáo hoạt động kinh doanh Giao thông Đèo Cả cho thấy, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản HHV đạt 36.775 tỉ đồng, tăng thêm 1.122 tỉ đồng sau 12 tháng. Với kết quả kinh doanh này, HHV đã hoàn thành 107% kế hoạch lợi nhuận công ty đã đặt ra hồi đầu năm.
Kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế Đèo Cả đạt gần 362 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2022. Tuy nhiên, trong bức tranh tài chính vẫn còn số nợ phải trả khá lớn.
Cụ thể, kết thúc ngày 31/12/2023, tổng nợ phải trả của Giao thông Đèo Cả (HHV) vượt 28.045 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD), tăng hơn 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, phần lớn là nợ vay tài chính khi lên đến 20.283 tỷ đồng.
Tại danh mục cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả Giao thông Đèo Cả còn 28.045 tỷ đồng (tương ứng hơn 1 tỷ USD), tăng hơn 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2023. Trong đó, phần lớn là nợ vay tài chính khi lên đến 20.283 tỷ đồng.
Chi tiết, Ngân hàng VietinBank đang là chủ nợ lớn nhất của Giao thông Đèo Cả với tổng cho vay ngắn hạn là 927 tỷ đồng và tổng cho vay dài hạn là 19.215 tỷ đồng.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Đèo Cả, để trả nợ cho năm 2023, doanh nghiệp này đã phải chi 1.161 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng mạnh so với con số 828 tỷ đồng năm trước đó. Tương ứng, mỗi ngày, Đèo Cả đang phải dành hơn 3,1 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay.
Đáng chú ý khác trong bức tranh tài chính Đèo Cả là tính đến ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn công ty này đạt 2.876 tỷ đồng, cao hơn 1.704 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn (1.172 tỷ đồng). Đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Đèo Cả là 0,4.
Để trấn an các cổ đông về món nợ khó trả 1 tỷ USD, HHV lý giải, các khoản vay của công ty là vay dài hạn để đầu tư BOT. Các dự án cũng đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, phương án trả nợ cũng được thực hiện đảm bảo trên cơ sở doanh thu thực tế và không ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công khoảng 10 - 15%, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của công ty hiện là 24%. Các khoản nợ được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông.
Để tìm kiếm dòng tiền triển khai các dự án, trước đây, Tập đoàn Đèo Cả từng cam kết phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất phát hành trái phiếu dự kiến khoảng 12% - 13%/năm được chi trả cho các tổ chức, cá nhân mua trái phiếu theo từng tháng hoặc từng quý.
Mức lãi suất trái phiếu dự kiến phát hành sẽ cao hơn mức lãi suất trong phương án tài chính dự án khoảng 1,5%/năm. Nhằm đảm bảo tính khả thi khi huy động vốn từ phát hành trái phiếu, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh giảm tỷ suất lợi nhuận tại dự án và lấy một phần lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác để bù đắp cho phần lãi suất chênh lệch.
Thế nhưng, trong những biến động mới nhất về tài chính và mức lãi ngân hàng hiện nay giảm mạnh thì việc cam kết lãi suất trái phiếu doanh nghiệp như ban đầu được coi như nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt món nợ tới 1,1 tỷ USD sẽ là áp lực lớn đối với Giao thông Đèo Cả.