Đề xuất Thủ tướng họp với các doanh nghiệp để bàn về nhà ở xã hội

Lê Sáng | 08:26 24/01/2025

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng việc tổ chức hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, dự kiến trong cuối tháng 1/2025.

Đề xuất Thủ tướng họp với các doanh nghiệp để bàn về nhà ở xã hội

Theo đó, Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình số 02 gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tổ chức hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Hội nghị dự kiến diễn ra vào cuối tháng 1 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội.

Hội nghị dự kiến có sự tham gia trực tiếp của 200 đại biểu là chuyên gia, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP HCM và nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trên cả nước như Vingroup, Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, Becamex IDC Bình Dương, CEO Group, Him Lam, Capital House, Capitaland, Viglacera, HUD, Ecopark…

Theo kế hoạch, hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tới UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đánh giá về thị trường bất động sản năm vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều địa phương đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, hỗ trợ tạo nguồn cung bất động sản trên cả nước.

Tính chung cả năm có 59 dự án nhà ở thương mại hoàn thành xây dựng trên cả nước với quy mô khoảng 16.720 căn và 28 dự án nhà ở xã hội hoàn thành xây dựng với quy mô 20.284 căn. Ngoài ra, có 67 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất với quy mô khoảng 6.667 lô, nền bán ra thị trường.

Về số lượng giao dịch, tổng lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ trong năm 2024 khoảng 137.386 căn, bằng 102,2% so với năm 2023. Trong khi tổng lượng giao dịch đất nền khoảng 446.899 lô/nền, bằng 138,1% so với năm 2023.

Riêng với lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, việc thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đã có kết quả bước đầu. Cụ thể, 645 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai trên cả nước với quy mô 581.218 căn. Trong năm 2024 có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành, tăng 46% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng, 113 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô xây dựng 142.450 căn. Các địa phương đã thực hiện quy hoạch 1.309 vị trí, bố trí quỹ đất khoảng 9.756ha để phát triển nhà ở xã hội.

Đối với chương trình tín dụng 120.000 tỷ cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng.

Còn nhiều trở ngại trong phát triển nhà ở xã hội

Bên cạnh việc khó thu hút đầu tư, loại hình nhà ở xã hội tại một số tỉnh miền Trung cũng gặp nhiều trở ngại cần khơi thông.

Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" đặt mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025 là hoàn thành khoảng 428.000 căn. Thế nhưng trong 3 năm qua, cả nước mới làm được 72 dự án với 38.128 căn, chiếm chưa tới 9% kế hoạch 5 năm. Những con số trên cho thấy, mục tiêu vẫn còn rất xa và hàng loạt rào cản cần được tháo gỡ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rào cản dẫn đến tốc độ phát triển NOXH chậm chạp là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NOXH, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn… Mặt khác, những hạn chế về giới hạn tỷ suất lợi nhuận cũng khiến dự án nhà ở xã hội kém hấp dẫn hơn các loại hình nhà ở thương mại.

Cùng với đó, nhiều địa phương còn chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NOXH trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Ngoài quỹ đất 20% NOXH trong các dự án nhà ở thương mại thì hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án NOXH độc lập…

Bên cạnh những rào cản từ pháp lý, thủ tục… thì vốn tín dụng ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà cũng đang là rào cản lớn khiến việc phát triển NOXH chưa đạt được như kỳ vọng.

Những vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, nguồn cung NOXH... đã được “lộ diện”. Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển NOXH thì việc giảm lãi suất ngân hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi của người có thu nhập thấp là điều rất quan trọng và “điểm nghẽn” này cần được khơi thông.

Nguyên nhân chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ chậm cả doanh nghiệp xây dựng lẫn người thuộc diện được mua NOXH đều đợi lãi suất cho vay giảm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nhận định, gói 120.000 tỷ đồng sẽ khó khả thi bởi lãi suất cho vay 8%/năm là quá cao so với khả năng chi trả của người lao động có thu nhập thấp. Hơn nữa, sau 5 năm, lãi vay được thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, đây là điều rất rủi ro đối với công nhân nên cần có hỗ trợ từ ngân sách.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc vay vốn phát triển NOXH, mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nên hạ xuống mức dưới 6% đối với chủ đầu tư và mức dưới 4,5% đối với người mua nhà. Cùng với đó, các ngân hàng cần giảm thêm lãi vay cho người vay mua nhà và tăng cho vay với người mua nhà.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Theo như nhiều công nhân phản ánh, họ chỉ thấy NOXH trên ti vi vì muốn tiếp cận NOXH thì cần rất nhiều thủ tục, giấy tờ và quá trình đó tốn nhiều thời gian, tiền bạc, do vậy rất khó để tiếp cận. Tôi nghĩ đó là các ý kiến rất chân thành, chúng ta cần ngồi lại với các công nhân để bàn bạc, có thể có những kiến nghị cụ thể như cho vay tín dụng như thế nào, xem xét lại các tiêu chí. Trên cơ sở đó sẽ đưa các nhà ở NOXH đã xây dựng nhưng chưa được sử dụng, bỏ phí trong thời gian qua đến với công nhân, người lao động”.

Cũng theo ông Lê Đăng Doanh, hiện nay, vốn vay đến tay công nhân rất ít, quá trình vay đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, bên phía cho vay muốn an toàn, muốn bảo đảm chắc chắn trong khi đó chưa hướng dẫn cho người công nhân cần làm những thủ tục gì, quá trình làm như thế nào. Trong thời đại kinh tế số và Chính phủ điện tử, có thể dễ dàng hướng dẫn công nhân để họ có thể tiếp cận với quỹ nhà ở to lớn mà hiện nay đang bỏ không lãng phí, chưa đưa vào sử dụng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đề xuất Thủ tướng họp với các doanh nghiệp để bàn về nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO