Kỷ lục mới của kinh tế Việt Nam: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD

Lê Sáng | 22:58 23/01/2025

Theo Bộ Công Thương, năm 2024, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (786,29 tỷ USD), tăng khoảng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao.

Kỷ lục mới của kinh tế Việt Nam: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, năm 2024 tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, trong đó một trong những kết quả tích cực nhất là “kỷ lục mới” về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.

80-1.jpg

Kỷ lục mới của nền kinh tế

Theo đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá, xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (786,29 tỷ USD), tăng khoảng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (24,77 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, khu vực thị trường châu Á - châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 197,4 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập nhẩu ước đạt 322,3 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập siêu 124,9 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2023).

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số, với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%). Đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Được biết, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%).

Trong năm 2024, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).

Đáng chú ý, xuất nhập khẩu đã cơ bản tận dụng, khai thác có hiệu quả các cam kết mở cửa thị trường từ các FTA, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với hầu hết các thị trường đã ký FTA đều tăng.

Trong các thị trường lớn, xuất khẩu sang Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ước đạt 119,7 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng tới 23,4% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 11,3%); xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 51,6 tỷ USD, tăng 18,3% (năm 2023 giảm 6,8%); xuất khẩu sang khu vực thị trường ASEAN tăng 13,6%; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,6% (năm 2023 giảm 3,4%); xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước đạt 24,6 tỷ USD, tăng 5,5% (năm 2023 giảm 3,7%).

“Năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (18,9%) cao hơn so với khu vực FDI (11,6%); đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28,9% so với 26,9%)”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá.

81-1.jpg

Năng lực sản xuất và thị trường trong nước hồi phục

Theo các thông tin báo cáo của ngành Công Thương, trong năm 2024, sản xuất công nghiệp trong nước ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác phòng vệ thương mại cũng đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, năm 2024, thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc (gần 9%). Cán cân cung cầu hàng hóa trong nước đã cơ bản ổn định sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và sản xuất trong nước đã từng bước trở thành trụ đỡ quan trọng đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.

Trong năm 2024, thị trường thương mại điện tử cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.

Năm 2025 mục tiêu xuất khẩu tăng 12% so với 2024

Thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức cao 8%, Bộ Công Thương đã đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025 để đưa vào Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024; Xuất khẩu hàng hoá phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm 2024; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024. Trong đó, tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) 82.097 MW, tăng khoảng 6,2% so với năm 2024.

Để thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm 2025, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng thời, tích cực triển khai đa đạng các hình thức (trực tiếp và trực tuyến) để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các hiệp định FTA đã thực thi để tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định.

Bộ sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.


(0) Bình luận
Kỷ lục mới của kinh tế Việt Nam: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO