Đề xuất tăng trách nhiệm của sàn TMĐT để quản lý livestream bán hàng

An Nam | 11:51 22/01/2025

Tại Dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng dự án luật Thương mại điện tử đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất tăng trách nhiệm với các sàn thương mại điện tử trong quản lý livestream bán hàng.

Đề xuất tăng trách nhiệm của sàn TMĐT để quản lý livestream bán hàng
Ảnh minh họa

Theo đó, tại Dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng dự án luật Thương mại điện tử đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương nêu rõ "Bên cạnh những mô hình hoạt động thương mại điện tử đã được quy định tại Nghị định 52, một số mô hình hoạt động thương mại điện tử mới đã phát sinh như hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, hoạt động thương mại điện tử của nhà đầu tư nước ngoài, mua sắm qua livestream với sự tham gia của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu, mỹ phẩm, dược phẩm nhưng được tư vấn bởi người không có chuyên môn…"

Theo Bộ Công Thương, hoạt động livestream bán hàng hiện chỉ được điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestreams (chủ tài khoản, người tham gia livestreams), các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và các vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams.

“Việc các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành cũng như các vấn đề liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập”, Bộ Công Thương nhận định.

Trong khi đó người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến hiện nay đang gặp khó khăn vì thiếu minh bạch thông tin sản phẩm, dịch vụ và thông tin của người bán như địa chỉ, điện thoại liên hệ hay các phương tiện khác. Thậm chí trong đơn hàng nhận được cũng không có thông tin về người bán.

Cơ chế giải quyết tranh chấp trên môi trường trực tuyến chưa hiệu quả, khiến người tiêu dùng ít được bảo vệ khi quyền, lợi ích bị xâm phạm. Trong nhiều trường hợp, người mua hàng và người bán không giải quyết được mâu thuẫn phát sinh trong quá trình giao dịch nhưng lại không có cách nào để liên hệ với chủ quản nền tảng số trung gian để khiếu nại hoặc không có công cụ để thực hiện khiếu nại.

Để siết quản lý những mô hình hoạt động thương mại điện tử mới, bảo vệ người tiêu dùng, trong đó, với hoạt động livestream bán hàng, tại Dự thảo Đề cương chi tiết Luật thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã đề xuất một trong những trách nhiệm của chủ quản nền tảng số thương mại điện tử bán hàng là quy định về trách nhiệm, điều kiện đối với người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Người bán trên nền tảng số trung gian thương mại điện tử cũng sẽ phải thực hiện định danh theo pháp luật về định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Người bán phải cung cấp tên, địa chỉ, mã số định danh, tổ chức hoặc mã số thuế thu Đnhập cá nhân cho nền tảng số trung gian thương mại điện tử. Đồng thời, công bố công khai điều kiện giao dịch chung, giá cả, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán (nếu có); tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ và các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước đó, tại Nghị quyết 09/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử thông qua VNeID.

Việc nâng cao trách nhiệm của các nền tảng số trung gian thương mại điện tử trong việc triển khai giải pháp định danh người bán sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay các vấn đề về gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng số thương mại điện tử.

Thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng từ mức 2,97 tỷ USD vào năm 2014 lên đến giá trị 25 tỷ USD vào năm 2024, tương đương mức tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Tỷ lệ dân số tham gia thương mại điện tử đạt trên 60% với giá trị mua sắm trung bình khoảng 400 USD/người mỗi năm. Thương mại điện tử đã trở thành một phương thức mua sắm phổ biến, đồng thời là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số quốc gia.

Tuy nhiên, đi kèm với đó, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng ngày càng gia tăng. Trong năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023). Đặc biệt, trị giá hàng hoá vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).

Nở rộ livestream doanh số khủng

Ông Dũng Bùi Quản lý điều hành Accesstrade, nền tảng tiếp thị liên kết lớn hàng đầu Việt Nam cho biết dự báo vào năm tới nền kinh tế kỹ thuật số Việt Nam ước đạt 45 tỉ USD, trong đó thương mại điện tử (TMĐT) chiếm tới 24 tỉ USD.

Hãng dữ liệu NielsenIQ cũng cho biết trong quý đầu năm 2024 có tới 95% khách hàng trực tuyến mua sản phẩm qua livestream. Việc mua hàng qua các KOC (người tiêu dùng, có sức ảnh hưởng) và KOL (người nổi tiếng) ngày càng phổ biến.

Các phiên livestream bán hàng trên TikTok đạt doanh thu hàng 100 - 150 tỉ đồng cũng ngày càng phổ biến. Ngay các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada... cũng xem livestream là hình thức bán hàng chủ lực trước thị hiếu tiêu dùng mới của thị trường.

Tuy nhiên đang có lỗ hổng trong quản lý thu thuế đối với những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, trong đó có cá nhân livestream bán hàng.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, đoàn BĐQH tỉnh Phú Yên cho rằng đang có những bất cập trong quản lý các cá nhân bán hàng, livestream trên các trang mạng xã hội. Nếu đi không đúng hướng, cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả, luôn đuổi theo "ma hồn trận" mà người tiêu dùng lãnh đủ, cơ quan thuế thất thu.

Thực tế cho thấy, dù là phương thức bán hàng đang lên của thị trường TMĐT, nhưng nhiều công ty nghiên cứu thị trường lớn cho biết họ chưa thể thống kê được chính xác doanh số của các phiên livestream để tính vào quy mô thị trường.

Báo cáo của nền tảng số liệu Metric cho biết số thống kê doanh thu bán lẻ trên năm sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam của họ chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream.

Giải thích về cách thu thập dữ liệu này, đại diện Metric cho biết với hình thức bán hàng livestream, rất khó cho họ thống kê chính xác vì giá bán của các phiên này thay đổi liên tục so với giá gốc. Nhiều phiên xóa link live sau khi thực hiện, nên để đảm bảo số liệu chính xác nhất, một số nền tảng chưa đưa các số này vào báo cáo.

Một khảo sát về hành vi mua sắm của gen Z tại Việt Nam mới đây của Shopee cũng nhấn mạnh bên cạnh việc thu thập voucher, 2/5 gen Z còn thích xem livestream để săn hàng trên kênh TMĐT. Trong đó 84% người dùng cho biết trải nghiệm mua sắm thú vị là một trong những lý do lựa chọn TMĐT làm kênh mua sắm ưa thích.

Theo các thông tin công bố của Metric, hiện một số sàn bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thống kê, sàng lọc sản phẩm, giá bán nhưng riêng với các phiên livestream vẫn rất khó "rà" một cách chính xác.

Do việc khó kiểm soát nên dù bùng nổ thời gian qua nhưng quản lý thuế và thu thuế đối hoạt động livestream bán hàng vẫn rất khó khăn, thất thu lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, không giống như hình thức đưa hàng lên sàn TMĐT bán, hình thức livestream sau khi kết thúc phiên từ người mua và cả cơ quan quản lý cũng không còn biết họ là ai. Điều này cũng cho thấy việc quản lý kinh doanh bán hàng online này rất phức tạp vì tính mới và phổ biến của nó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đề xuất tăng trách nhiệm của sàn TMĐT để quản lý livestream bán hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO