Sáng 20/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đã trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Một trong những nội dung trọng tâm là đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0% từ Thủ tướng sang NHNN.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, quy định hiện hành giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền phê duyệt các khoản vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0%/năm. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, NHNN đề xuất được trực tiếp quyết định cho vay đặc biệt đối với các TCTD, có hoặc không có tài sản bảo đảm, nhằm tăng tính chủ động và rút ngắn thời gian xử lý trong các tình huống cấp bách.
Dự thảo quy định rõ, tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt do Thống đốc NHNN quy định, lãi suất áp dụng là 0%/năm. Khoản vay đặc biệt có thể được cấp cho các TCTD trong trường hợp phải chi trả cho người gửi tiền khi xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt hoặc nhằm triển khai phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc.
Thống đốc nhấn mạnh việc phân cấp này nhằm tinh gọn quy trình, giảm khâu trung gian, bảo đảm xử lý kịp thời các rủi ro hệ thống và nâng cao tính an toàn cho toàn bộ hệ thống tín dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, ông Phan Văn Mãi, cho biết cơ quan thẩm tra tán thành với đề xuất chuyển giao thẩm quyền nêu trên. Tuy nhiên, Chính phủ cần rà soát toàn bộ các quy định hiện hành liên quan đến cho vay đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất, đồng thời nghiên cứu bổ sung các tiêu chí, điều kiện rõ ràng cho việc cấp khoản vay lãi suất 0%/năm, đặc biệt là các khoản không có tài sản bảo đảm.
Ủy ban cũng nhấn mạnh yêu cầu quy định chặt chẽ quy trình, thủ tục cho vay đặc biệt, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro nhằm phòng ngừa và hạn chế tổn thất có thể phát sinh.
Một điểm mới đáng chú ý khác trong dự thảo luật là việc trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ. Tuy nhiên, việc thu giữ chỉ được thực hiện nếu hợp đồng tín dụng quy định rõ quyền này và phải tuân thủ điều kiện pháp lý cụ thể, tránh lạm dụng quyền lực, bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật và đạo đức xã hội.
Dự thảo cũng quy định rõ, TCTD chỉ được ủy quyền thu giữ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc. Trong trường hợp ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc, việc ủy quyền có thể mở rộng cho tổ chức tín dụng hoặc công ty quản lý nợ, khai thác tài sản tương ứng.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính đánh giá việc bổ sung quy định thu giữ tài sản bảo đảm là cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (gồm cả nợ xấu của các ngân hàng mua lại bắt buộc và ngân hàng được kiểm soát đặc biệt) đã lên đến 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức 2,03% cuối năm 2022. Riêng tháng 1/2025, tỷ lệ này đã đạt 4,3%.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát toàn diện các điều kiện thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và lực lượng công an trong việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trong quá trình thu giữ.
Chính phủ cũng được đề nghị quy định chi tiết quy trình, thủ tục thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm nhằm bảo đảm tính minh bạch, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ và các bên liên quan.
Dự thảo luật sẽ tiếp tục được thảo luận tại tổ vào chiều 20/5, trình thảo luận tại hội trường ngày 29/5 và dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 17/6.