Ngày 6/4, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đã tham gia góp ý về dự án Luật Giá (sửa đổi), đề nghị bổ sung thêm giá tối thiểu (giá sàn) với vé máy bay nội địa.
Ông Phạm Văn Hoà cho biết, hiện có tình trạng hãng hàng không đưa ra giá vé máy bay 0 đồng. Điều này dù có lợi cho người dân, song lại tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng hàng không.
Sau đó nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp giá trần, giá sàn với vé máy bay nội địa là hợp lý để tránh "hàng không chuyên nghiệp bị giá rẻ đánh bại".
Có ý kiến còn viện dẫn: với các hãng bay chuyên nghiệp, giá vé 0 đồng hay 200.000 - 500.000 đồng không đủ chi phí nhiên liệu, chưa tính tới tiền lương cho người lao động hoặc chi phí khấu hao.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng từng đề xuất Bộ Giao thông vận tải áp mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa vé máy bay phổ thông nội địa. Đề xuất này thời gian qua nhận được không ít ý kiến trái chiều.
Phản hồi lại với đề xuất này, ngày 9/4, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam giá bày tỏ quan điểm không nên quy định giá sàn vé máy bay.
Chủ tịch Hội thẩm định giá cho biết, giá sàn là mức giá tối thiểu do Nhà nước áp đặt buộc người mua không thể trả tiền thấp hơn giá tối thiểu đó. “Đây là loại giá không tuân theo nguyên tắc giá cân bằng cung cầu, cạnh tranh.”
Khi định ra giá sàn là Nhà nước muốn bảo vệ lợi ích của người cung ứng hàng hoá có vị trí yếu thế trên thị trường, họ không có sức mạnh thị trường.
Ông Thỏa lấy ra ví dụ như nông sản khi được mùa, giá xuống thấp hơn giá thành nông dân sản xuất. Tiền lương của người lao động trên thị trường lao động xuống thấp hơn giá cân bằng cung cầu…
Vậy thì, có nên quy định sản vé máy bay hay không?
“Câu trả lời là không!” – Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.
Theo lập luận của ông, ngành hàng không hiện đã hoạt động theo cơ chế thị trường với việc đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia thị trường, có cạnh tranh về cung ứng dịch vụ trên nhiều tuyến bay thì phải có giá cạnh tranh tuân thủ nguyên lý giá cân bằng cung cầu. Đó là nguyên tắc của kinh tế thị trường.
Theo đó, khi quy định giá sàn là một loại giá bảo hộ cho lợi ích của ngành hàng không nó sẽ trở thành là loại giá phi thị trường theo nguyên tắc trên.
“Hệ quả của việc này là gây thiệt hại cho hàng chục triệu khách hàng bởi tước đi cơ hội được hưởng mức giá rẻ hợp lý do cạnh tranh mang lại, không những thế còn tác động bất lợi lan sang ngành du lịch…” ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.
Quay lại với đề xuất tại Hội nghị đại biểu Quốc hội vừa qua, với lo ngại không quy định giá sàn sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ông Thỏa nhấn mạnh nếu xảy ra tình trạng này, đã có Luật Cạnh tranh điều chỉnh.