Để pháp luật về thẩm định giá thực sự “mang hơi thở cuộc sống”

Dương Hùng | 08:41 27/01/2025

Bên cạnh việc đánh giá cao vai trò của Luật Giá 2023 trong việc kiến tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành Thẩm định giá, Hội Thẩm định giá Việt Nam mong muốn sớm có những hướng dẫn nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để các quy định về thẩm định giá được được hiểu và áp dụng thống nhất.

Để pháp luật về thẩm định giá thực sự “mang hơi thở cuộc sống”
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm.

Vừa qua, tại TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) đã tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề “Kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện những quy định mới của pháp luật về thẩm định giá” kể từ khi Luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 đến nay.

Tham dự tọa đàm, các đại biểu chia sẻ quan điểm về việc các quy định mới của pháp luật về thẩm định giá đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thẩm định giá (TĐG) và cung ứng dịch vụ TĐG của các doanh nghiệp TĐG.

Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra vấn đề vẫn có những quy định mới chưa được hướng dẫn rõ, do đó cần sớm có những hướng dẫn, điều chỉnh cụ thể để tháo gỡ vướng mắc nhằm đảm bảo pháp luật về giá nói chung và thẩm định giá nói riêng được hiểu và áp dụng một cách thống nhất, hiệu quả.

Vướng mắc về lý lịch tư pháp

Liên quan đến nội dung “có cần cung cấp lý lịch tư pháp để đăng ký hành nghề cho năm 2025 hay không” là vấn đề được nhiều doanh nghiệp thẩm định giá băn khoăn khi tham chiếu với các quy định hiện hành.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, tại tọa đàm của VVA, bà Dương Lan Anh - Phó trưởng phòng Quản lý thẩm định giá (Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) cho rằng lý lịch tư pháp là thành phần của hồ sơ đăng ký hành nghề, do đó không nằm trong các yêu cầu quy định tại Phụ lục 03 của Thông tư số 38/2024/TT-BTC, áp dụng để báo cáo về các trường hợp thẩm định viên đã đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá nêu tại Danh sách thẩm định viên về giá được thông báo hàng năm trước ngày 01 tháng 01 của năm đó (điểm a Khoản 3 Điều 46 Luật Giá).

Mặt khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 của Luật Giá, doanh nghiệp phải kịp thời báo cáo Bộ Tài chính trường hợp biến động thẩm định viên về giá do thẩm định viên không duy trì điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá, vì vậy việc yêu cầu nộp giấy lý lịch tư pháp đối với thẩm định viên đã được đăng ký hành nghề là không cần thiết.

29-1(1).jpg
Toàn cảnh buổi Tọa đàm "Kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện những quy định mới của pháp luật về thẩm định giá".

Đối với danh sách thẩm định viên được thông báo kèm theo khi doanh nghiệp được cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (điểm c Khoản 3 Điều 46 Luật Giá) trong trường hợp việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) liên quan đến việc thay đổi thông tin đăng ký hành nghề của thẩm định viên của doanh nghiệp thẩm định giá đó. Thông báo này sẽ được thực hiện cùng với việc cấp, cấp lại Giấy chứng nhận, trên cơ sở hồ sơ xin cấp, cấp lại Giấy chứng nhận.

Trong trường hợp cấp mới và cấp lại giấy Giấy chứng nhận (có liên quan đến đăng ký hành nghề thẩm định viên) thì hồ sơ sẽ cần phải có Lý lịch tư pháp của thẩm định viên.

Cải thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giá

Đối với những vướng mắc khi thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu, theo đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài Chính, các doanh nghiệp cần đề xuất, kiến nghị với Cục Quản lý giá để hoàn thiện phần mềm và hướng dẫn thực hiện.

Đối với vấn đề quản lý và sử dụng thông tin được đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, Nghị định số 85/2024/NĐ-CP có quy định tại Điều 24 - Quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Do đó, việc quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu về thẩm định giá cần được thực hiện trên cơ sở Quy chế hoạt động, vận hành, khai thác thông tin dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

Hoàn thiện các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của ngành Thẩm định giá, VVA cho rằng các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam cần được liên tục hoàn thiện theo xu hướng phát triển chung.

Ghi nhận nội dung trên của VVA, bà Dương Lan Anh cho rằng cần nghiên cứu quy định thêm các tiêu chuẩn thẩm định giá mới như thẩm định giá máy thiết bị,… để áp dụng và triển khai trong thực tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc VVA cũng nêu thực tế một số vướng mắc phát sinh về nghiệp vụ trong một số trường hợp áp dụng 02 phương pháp thẩm định giá Việt Nam.

Về nội dung này, đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài Chính cho rằng, hiện nay Chuẩn mực về phạm vi công việc không yêu cầu áp dụng 02 phương pháp thẩm định giá trở lên đối với trường hợp đủ điều kiện để áp dụng phương pháp so sánh theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường và trường hợp không có đầy đủ thông tin để áp dụng từ 02 phương pháp thẩm định giá trở lên.

Tăng cường công tác đào tạo, cập nhật kiến thức

Một trong những nội dung được các doanh nghiệp thẩm định giá trăn trở nhiều thời gian qua là việc cập nhật kiến thức, tập huấn nghiệp vụ để kịp thời đáp ứng những thay đổi của quy định và thực tiễn.

Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài Chính đề nghị Hội thẩm định giá cân nhắc triển khai các lớp đào tạo, tập huấn để đáp ứng yêu cầu của hội viên và những người có nhu cầu đào tạo nói chung.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tin liên quan
Để pháp luật về thẩm định giá thực sự “mang hơi thở cuộc sống”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO