Loạt ý kiến, giải pháp cần tháo gỡ tại Toạ đàm “Kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện những quy định mới của pháp luật về thẩm định giá”

Mạnh Đại | 15:37 20/12/2024

Nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá đang gặp phải, từ quy trình đăng ký lý lịch tư pháp, định giá tài sản đến khó khăn trong cập nhật thông tin từ trung tâm dữ liệu quốc gia, … đã được các đại biểu chia sẻ tại Toạ đàm.

Loạt ý kiến, giải pháp cần tháo gỡ tại Toạ đàm “Kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện những quy định mới của pháp luật về thẩm định giá”

Sáng 20/12, tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Hội Thẩm định giá Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm “Kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện những quy định mới của pháp luật về thẩm định giá”, với sự tham gia của các đại diện cơ quan nhà nước, chuyên gia luật, các thành viên Ban chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam, doanh nhiệp và hội viên Hội Thẩm định giá, …

Chia sẻ, đóng góp ý kiến tại toạ đàm, ông Nguyễn Thế Phượng – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Nghiên cứu và Chuyển giao khoa học thẩm định giá Hội Thẩm định giá cho biết: Các quy định của nhà nước về thẩm định giá vừa mới ban hành, thực sự đã tháo gỡ nhiều khó khăn ách tắc trong hoạt động thẩm định giá của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực hiện các quy định này cũng phát sinh những vấn đề khó khăn tồn tại.

Trước hết, chúng ta thấy rõ là còn thiếu nhiều những chuẩn mực định giá rất cần thiết đối với hoàn cảnh thẩm định giá ở nước ta hiện nay, như Thẩm định giá trang thiết bị, đây là một chuẩn mực rất cần nhưng chưa thấy. Thẩm định giá trong nghiệp vụ tài chính, đây là một chuẩn mực hiện nay mang tính thời sự. Cổ phiếu, trái phiếu,…là vấn đề rất cần thiết về chuẩn mực thẩm định giá.

“Thẩm định giá rất quan trọng, rất mong kiến nghị đến Bộ Tài chính sớm ban hành các chuẩn mực định giá này. Trong khi Bộ Tài chính chưa ban hành những chuẩn mực định giá này, thì kiến nghị Bộ có văn bản cho phép các doanh nghiệp thẩm định giá được sử dụng các chuẩn mực thẩm định giá quốc tế …”, ông Phượng ý kiến.

Liên quan tới việc các thẩm định viên khi đăng nhập cơ sở dữ liệu quốc gia gặp khó khăn thường xuyên bị lỗi… gây trì trệ, không cập nhật được. Việc tiến hành hoàn tất các thủ tục liên quan thẩm định giá gặp vấn đề trường thông tin chỉ đáp ứng loại hồ sơ chỉ có 1 loại tài sản, nhiều loại tài sản thì gặp khó.

thay-phuong.jpeg
ông Nguyễn Thế Phượng – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Nghiên cứu và Chuyển giao khoa học thẩm định giá Hội Thẩm định giá chia sẻ tại Toạ đàm.

Phó Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đề nghị Cục quản lý giá - Bộ Tài chính cần sớm có giải pháp nâng cấp, giải quyết khó khăn cho thẩm định viên.

Ông Đinh Quang Vũ – Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn - Dịch vụ về Tài sản Bất động sản DATC cho biết, nghề thẩm định giá luôn luôn có rủi ro. Thực tế cho thấy, người làm thẩm định giá phải gánh trách nhiệm dịch vụ lâu dài và nặng nề,…

“Vấn đề xử lý các văn bản pháp lý, các văn bản thông tin chồng chéo nhau dẫn đến rủi ro nhất định cho các thẩm định viên. Đặc biệt, là trong lĩnh vực định giá đất hiện nay. Do đó, đề xuất nhà nước cần có những hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những người hành nghề thẩm định giá”, ông Vũ nói.

Ông Nguyễn Quang Hùng – CTCP Tài chính VIICY Việt Nam chia sẻ, đóng góp ý kiến Về các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

Liên quan đến Phạm vi công việc thẩm định giá quy định khi thẩm định giá Việt Nam phải áp dụng 2 phương pháp thẩm định giá trở lên trừ khi đủ điều kiện áp dụng phương pháp so sánh và khi thẩm định giá tài sản vô hình.

Ông Hùng nhận thấy, thực tế khi thẩm định giá có những tài sản giao dịch mang tính độc quyền, thị trường hạn chế cũng không thể thẩm định giá theo phương pháp so sánh, phương pháp chi phí càng khó thực hiện khi chủ thể của tài sản là hàng độc quyền. Cơ sở của giá trị để thẩm định giá loại tài sản này là Giá trị đầu tư nêu trong Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng có ý kiến, về Hồ sơ thẩm định giá được khai thác và sử dụng theo quy định của pháp luật cần có quy định cụ thể về đối tượng được khai thác và sử dụng thông tin do doanh nghiệp đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.  

Tại toạ đàm, bà Dương Lan Anh – Phó phòng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính đã giải đáp nhiều thắc mắc của đại biểu liên quan tới các vấn đề lý lịch tư pháp của thẩm định viên; cơ sở dữ liệu về giá; vấn đề quản lý sử dụng thông tin; Đề xuất về cơ sở giá trị; Đề xuất cách tiếp cận chi phí, …

Ngoài ra, bà Lan Anh cũng gửi lời cảm ơn và ghi nhận những ý kiến tham luận từ các đại biểu tham dự toạ đàm. Đồng thời, nhấn mạnh Cục Quản lý giá Bộ Tài chính luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến rộng rãi, các ý kiến thảo luận, đóng góp để hoàn thiện các quy định pháp luật.

Cũng tại buổi toạ đàm các đại biểu đã nêu ra nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá đang gặp phải, từ quy trình đăng ký lý lịch tư pháp, định giá tài sản đến khó khăn trong cập nhật thông tin từ trung tâm dữ liệu quốc gia. Các bên tham gia đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nhằm thảo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thẩm định giá.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Loạt ý kiến, giải pháp cần tháo gỡ tại Toạ đàm “Kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện những quy định mới của pháp luật về thẩm định giá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO