Phiên sáng nay, dầu WTI tăng 0,01 USD/thùng lên mức 80,47 USD/thùng; Brent tăng 0,35 USD/thùng lên mức 86,18 USD/thùng.
Kết thúc phiên 6/3, giá dầu thô WTI tăng 0,98% lên 80,46 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,43% lên 86,20 USD/thùng.
Như vậy, giá cả hai mặt hàng dầu thô đều đang ở mức cao nhất trong gần một tháng. Giá dầu dần lấy lại đà tăng khi một loạt các tin tức tích cực xuất hiện và hỗ trợ cho giá.
Tại hội nghị năng lương CERAWeek ở Houston, lãnh đạo của nhiều công ty sản xuất lớn đã có những phát biểu lạc quan cho rằng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ hồi phục vào cuối năm, tuy nhiên, rủi ro nguồn cung vẫn cao do ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) với Nga.
Trong khi đó, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Saudi Arabia đã tăng giá bán dầu cho châu Á. Động thái này phản ánh sự lạc quan cũng như kỳ vọng vào việc nhu cầu nhập khẩu của khu châu Á sẽ tăng lên.
Đối với nguồn cung của Nga, khối lượng xuất khẩu dầu của nước này đã giảm 14% trong tuần kết thúc ngày 03/03 về mức 3,1 triệu thùng/ngày.
Theo các nhà phân tích, mức sụt giảm này xuất phát từ những khó khăn về mặt hậu cần, chứ không phải do việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng mà Nga đã công bố.
Các tin tức này, cộng với sự suy yếu của đồng USD đã giúp cho thị trường dầu đảo ngược đà giảm và duy trì được sắc xanh. Chỉ số USD Index giảm về 104,35 điểm, mức đóng cửa thấp nhất trong vòng 3 tuần.
Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, giá dầu cũng chịu sức ép khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc.
Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, các nhà chức trách của nước này đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP là 5%.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng này khiêm tốn hơn so với kỳ vọng của thị trường. Tin tức này đã làm mờ những kỳ vọng vào việc nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng trưởng và khiến cho giá dầu giảm.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng lo ngại về việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tăng lãi suất khiến cho áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ và nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều hành ngày 1/3 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 121 đồng/lít, xuống 22.421 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 118 đồng/lít, xuống 23.325 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 551 đồng/lít còn 20.255 đồng/lít; dầu hỏa giảm 372 đồng/lít còn 20.474 đồng/lít.Riêng dầu mazut tăng 304 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành, hiện giá dầu mazut là 14.555 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ không chi từ Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó, mức trích từ Quỹ bình ổn với xăng RON 95-III tăng từ 0 đồng lên 200 đồng một lít; E5 RON 92 tăng lên 250 đồng một lít so với kỳ điều hành ngày 21/2.
Mức trích quỹ với dầu diesel giảm 100 đồng so với kỳ điều hành trước, về còn 500 đồng. Dầu hoả có mức trích lập vào quỹ là 300 đồng một lít, tăng 100 đồng. Riêng mức trích lập với dầu mazut vẫn duy trì 0 đồng mỗi kg như phiên điều hành trước.