Ngay trong những tháng đầu năm 2024, thị trường tài chính tiền tệ có những cú sốc về giá. Đầu tiên là giá vàng liên tục lập đỉnh, ngày 6/3, giá vàng SJC được niêm yết tại các cửa hàng lớn ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua - bán), giá vàng nhẫn niêm yết 67,3 - 68,5 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Giá chung cư từ 2022 trở lại đây đã 3 lần tăng giá, lần gần nhất từ cuối 2023 đến nay tăng từ 4-5%, giá sơ cấp ở phân khúc hạng trung từ 40-60 triệu đồng/m2, phân khúc cao cấp từ 65 – 90 triệu đồng/m2, phân khúc cao cấp hơn từ 100 triệu đồng/m2 trở lên. Như vậy, chung cư phân khúc trung cấp 30 triệu đồng biến mất khỏi thị trường.
Đối với gửi tiết kiệm ngân hàng, lãi suất huy động cũng xuống thấp kỷ lục từ trước tới nay. Tính đến đầu tháng 3, lãi suất cao nhất cũng chỉ 5,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và thấp nhất là kỳ hạn 1 tuần là 0,20%.
Trong khi đó, TPDN vẫn chưa lấy lại được niềm tin của khách hàng, mặc dù trong 2 tháng đầu năm đã có dấu hiệu tốt hơn. Trong tháng 1/2024, chỉ có 4 công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tổng giá trị 4 giao dịch phát hành từ 4 doanh nghiệp trị giá đạt 6,45 nghìn tỷ.
Khối Phân tích và Nghiên cứu Tín dụng của FiinRatings nhận định, rủi ro đến từ những vấn đề đã phát sinh trong các năm qua vẫn còn hiện hữu và cụ thể là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 này.
Đối với thị trường chứng khoán, mặc dù từ đầu năm thị trường đã có khởi sắc, nhưng những rung lắc từ thị trường trong ngắn hạn cũng khiến nhà đầu tư “chùn tay”, hơn nữa nhiều nhà đầu tư còn thua lỗ từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hồi phục đã khiến dòng tiền của nhà đầu tư chưa đổ vào thị trường. Theo BSC, số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý IV/2023 tăng 31,84% kể từ đầu năm 2023, vượt trội đáng kể so với tăng trưởng huy động của hệ thống ngân hàng là khoảng 13,2%.
Trước cơn bão giá, khách hàng có tiền mặt lòng “nóng như lửa đốt” lo lắng không biết đổ tiền vào kênh đầu tư nào.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, thời điểm này để lựa chọn được kênh đầu tư là vô cùng khó. Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn, là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền để chống lại khủng hoảng, lạm phát cũng như sự mất giá của tiền tệ. Tại Việt Nam, vàng không có vai trò quá quan trọng trong các hoạt động của nền kinh tế. Vì thế, dù giá vàng trên thế giới vừa qua có những thời điểm nhảy lên rất cao, thì Việt Nam giá trị vàng tăng cũng chỉ dần dần và có sự độc lập tương đối với giá thế giới.
Hiện NHNN đang tìm cách sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, nếu được sửa đổi thì thị trường vàng sẽ ổn định hơn. Khi không sửa đổi được Thông tư, giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng từ đây đến cuối năm 2024. Do đó, nếu theo xu hướng tăng thì đầu tư vàng cũng là một kênh ổn định.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh các kênh đầu tư sinh lời đều khó khăn, thì việc để giữ tiền Việt Nam ổn định là tốt nhất. Gửi tiết kiệm ngân hàng cũng là một kênh quan trọng và đầu tư đất nền xa trung tâm giữ tiền bao giờ cũng luôn đúng.
Tuy nhiên, việc đầu tư bất cứ vào kênh nào cũng không nên “bỏ trứng vào một giỏ” và cũng không nên dùng đòn bẩy quá 30%, vì mọi diễn biến kinh tế, chính trị đều không lường trước được.
Trong mấy năm qua, việc đầu tư của doanh nghiệp và người dân đều khó khăn, nhiều gia đình “găm” tiền mặt trong tay nhưng không biết xoay sở ra sao. Trước mọi biến động của thị trường, việc đầu tư cũng quan trọng và bảo toàn được nguồn vốn cũng quan trọng hơn bao giờ hết.