Đó là nhận định được Khối Phân tích - Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đưa ra trong Báo cáo “Đầu tư công: Động lực quan trọng cho kịch bản phục hồi kinh tế”.
Gói đầu tư công đang tập trung vào đường cao tốc
Báo cáo cho biết, Quốc hội đã thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 - 2023 với tổng quy mô lên tới 347.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,2% GDP 2021. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, ước tính gói kích thích này sẽ giúp tăng trưởng GDP tăng thêm 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7%/năm giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, nguồn vốn thực hiện nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng lên tới 113.850 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các tuyến hạ tầng giao thông chiến lược, bao gồm đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông (giai đoạn 2), một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ với giá trị lên tới 103.164 tỷ đồng (chiếm 91% quy mô của gói giải pháp trên).
Ngoài ra, Chính phủ dự kiến 5.386 tỷ đồng chi cho đầu tư chuyển đổi số và hạ tầng số.
Trước đó vào tháng 7/2021, Quốc hội cũng đã thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-25 là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch của giai đoạn 2016-21. Trong đó, phân bổ vốn cho phát triển hạ tầng giao thông tiếp tục được chú trọng với 570.412 tỷ đồng, chiếm 52% tổng vốn đầu tư từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-25.
Theo Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước sẽ sở hữu 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025 (từ mức 1.163 km cao tốc hiện nay). Do đó, các gói đầu tư công sắp tới sẽ tập trung giải ngân vào hàng loạt cao tốc, trọng tâm là tuyến cao tốc Bắc – Nam với hơn 185.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025.
Tăng tốc giải ngân trong năm 2022
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và nhiều điểm nghẽn trong công tác thực hiện dự án, giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong năm 2020-21 đều không đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, khi chỉ hoàn thành lần lượt 96,6%-84,3% kế hoạch năm. Do đó, Chính phủ đang rất quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 với hàng loạt động thái quyết liệt.
Từ giữa tháng 12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Điều này sẽ giúp các cơ quan trên có thể chủ động giải ngân ngay từ đầu năm.
Việc cho phép thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong năm 2022 cũng là một giải pháp tốt. Lâu này giải phóng mặt bằng luôn là một trong những vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ các dự án hạ tầng giao thông nên việc hoàn thành giải phóng mặt bằng mới đấu thầu xây lắp sẽ giúp tránh tình trạng tăng chi phí, đội vốn và có thể sử dụng nguồn vốn sẵn có bố trí cho các dự án khác.
Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 14% so với kế hoạch năm 2021 lên 572.000 tỷ đồng nhờ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 là 526.000 tỷ đồng và khoảng 46.000 tỷ đồng vốn từ Chương trình kích thích và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023.
Trong năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công sẽ tiếp tục tăng 7% so với cùng kỳ lên 609.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua.
Bên cạnh đó, nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Cùng với đó giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm 2022.
Thực tế giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 85% kế hoạch cả năm. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm 2022 nên tốc độ giải ngân sẽ tăng nhanh.
Từ đầu năm Chính phủ cũng tỏ rõ quyết tâm tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 như Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam…
Những yếu tố có thể tác động đến tiến độ của các dự án giao thông
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu sẽ bổ sung thêm gần 2.000 km cao tốc trong 4 năm từ 2022-2025, lớn hơn quãng đường cao tốc mà Việt Nam đã phát triển trong tất cả các năm trước đó.
Trọng tâm là việc đẩy nhanh tiến độ của 23 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đã được Quốc hội phê duyệt. Đặc biệt 12 dự án thành phần của giai đoạn 2 sẽ chỉ được thực hiện trong 4 năm sắp tới bao gồm tất cả các bước từ lập hồ sơ khả thi, giải phóng mặt bằng, chọn nhà thầu, thi công, quyết toán, vận hành trong khi giai đoạn 1 đã được bắt đầu từ tháng 11/2017, khởi công gói thầu đầu tiên từ tháng 9/2019 và dự kiến cuối năm 2023 mới hoàn thành.
Do đó báo cáo của VNDIRECT cho rằng mục tiêu tham vọng của Bộ Giao thông vận tải đang đứng trước nhiều thách thức như suất đầu tư của dự án gây ảnh hưởng đến khả năng nhận thầu của các công ty xây lắp.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Giao thông vận tải, suất đầu tư bình quân của các 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 sẽ là 175,4 tỷ đồng/km (không bao gồm giải phóng mặt bằng), cao hơn đáng kể so với mức trung bình của giai đoạn 1 (120 tỷ đồng/km).
Tuy nhiên, nhóm dự án mới này đều được đánh giá là “khó” hơn giai đoạn 1 khi đi qua nhiều vùng địa hình phức tạp (vùng núi, sông và nền đất yếu).
Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ thuê đơn vị tư vấn lập dự toán chi tiết cho từng dự án nhằm đảm bảo tiết kiệm chi phí nhất. Do đó suất đầu tư của các dự án giai đoạn 2 có thể sẽ không đủ hấp dẫn các công ty xây lắp tham gia và cơ hội sẽ chỉ giành cho số ít các nhà thầu lớn, có sẵn trang thiết bị và kinh nghiệm quản lý chi phí tốt.
Giải phóng mặt bằng luôn là điểm nghẽn lớn nhất của các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Sau hơn 2 năm, giải phóng mặt bằng tại giai đoạn 1 cao tốc Bắc – Nam mới cơ bản hoàn thành, hiện đạt 652,4 km/652,9 km (đạt 99,93%). Do đó để đưa 729km mặt bằng sạch của các dự án thuộc giai đoạn 2 vào bắt đầu thi công trong năm 2023 sẽ cần sự quyết liệt lớn của Chính phủ.
Ngoài ra, tình trạng thiếu nguyên vật liệu đất đắp và cát đã xảy ra thường xuyên tại các dự án giai đoạn. Trong khi đó, các dự án thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2) đang rất khan hiếm các nguồn nguyên vật liệu này.
Áp lực giải ngân lớn trong năm 2022, cụ thể là Bộ Giao thông vận tải sẽ được giao giải ngân 50.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi tại kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ cũng được Quốc hội giao giải ngân 304.104 tỷ đồng, do đó kế hoạch của các năm 2023-2025 sẽ còn lớn hơn nữa.