Không ít nhà đầu tư muốn vay vốn để mua bất động sản
Theo báo cáo “Tâm lý người tiêu dùng và các xu hướng bất động sản cuối năm 2023” vừa được batdongsan.com công bố, có khoảng 59% người được khảo sát cho biết có dự định mua bất động sản để đầu tư trong vòng 1 năm tới. Trong đó, phần lớn nhắm đến phân khúc đất nền và nhà phố.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy, có đến 73% người muốn mua nhà trong 1 năm tới có dự định vay vốn. Trong đó, có 41% đáp viên cho biết muốn vay tối đa 30% giá trị của bất động sản; 24% người được khảo sát có nhu cầu vay từ 30-50% giá trị bất động sản.
Báo cáo cho biết thêm, có khoảng 43% người có dự định vay mua nhà muốn tiếp cận được gói vay kỳ hạn từ 5-10 năm; 33% muốn được vay với kỳ hạn dưới 5 năm. Đồng thời, phần lớn kỳ vọng được trả góp 20 triệu/tháng.
Về lãi suất, có khoảng 44% nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất dưới 8%; 33% mong lãi suất trong khoảng 8-10%.
Mặt khác, theo các khảo sát mới nhất của chúng tôi tại hơn 30 ngân hàng, lãi suất cho vay mua bất động sản vẫn chưa thấp hơn mức 10%. Bên cạnh đó, các thống kê của NHNN cho thấy tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Phải chăng vì chưa đồng thuận được một mức giá chung nên cung cầu tín dụng bất động sản chưa gặp nhau?
Đâu là mức lãi suất để cung và cầu tín dụng bất động sản có thể gặp nhau?
Theo TS.Ngô Ngọc Quang - chuyên gia tư vấn tài chính kinh tế, Đại học Ngân hàng TP.HCM, trong vòng 5 năm trở lại đây tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Nhu cầu tìm kiếm các tài sinh lời theo đó cũng nâng lên đáng kể và bất động sản không nằm ngoài xu hướng đó. Nhiều thống kê cho thấy 80-90% dân cư ở tầng lớp trung lưu hầu hết đã sở hữu ngôi nhà thứ nhất và đang tìm kiếm bất động sản thứ hai để đầu tư.
Bên cạnh đó, vì bất động sản là tài sản có giá trị lớn, nên nhu cầu đi vay để mua luôn tồn tại. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, có nhiều vấn đề gồm: 1) triển vọng của thị trường bất động sản không được tích cực; 2) các hoạt động kinh tế khó khăn ảnh hưởng thu nhập của nhà đầu tư; và 3) sự mất kết nối giữa cung và cầu trên thị trường tín dụng nên các nhà đầu tư cũng hạn chế vay vốn để tham gia mua bán nhà đất.
Theo đó, ở mọi lĩnh vực khi đi vay vốn để đầu tư, vấn đề đầu tiên mà nhà đầu tư phải quan tâm đến chênh lệch giữa lãi vay và lợi nhuận thu được. Ví dụ mua một tài sản lãi 12% và lãi suất vay là 10%, nhà đầu tư sẽ nhận được khoản chênh lệch 2%. Trong bối cảnh triển vọng của loại tài sản dự định đầu tư không tích cực và lãi suất vay tăng lên như vừa qua, khoản này chênh lệch này sẽ bị thu hẹp lại và nhà đầu tư thường hạn chế vay vốn để tham gia.
“Ngoài ra, việc vay vốn còn liên quan đến năng lực trả nợ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, nhà đầu tư cũng rất hạn chế đi vay để mua nhà. Mặt khác, đến thời điểm hiện tại, trên thị trường lãi suất cho vay mua bất động sản vẫn đang trên 10%, trong khi phần lớn nhà đầu tư lại đang kỳ vọng dưới 8% hoặc tối đa là 10% một năm. Đây là một tín hiệu cho thấy cung và cầu tín dụng chưa đồng thuận nhiều về một mức giá chung. Thực tế số liệu của NHNN mới đây cho thấy, tăng trưởng tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng đầu năm giảm 1,32%”, ông Quang đánh giá.
Chuyên gia nói thêm, kỳ vọng lãi suất vay mua nhà 8-10% của nhà đầu tư là tương đương với giai đoạn trước dịch bệnh. Bên cạnh đó, quan điểm của nhà điều hành vẫn đang là nỗ lực hạ lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Mặt khác, duy trì lãi suất cao có thể có tác dụng không tốt đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng. Do đó, có thể trong 6 tháng cuối năm nay hoặc đầu năm sau, cung và cầu tín dụng bất động sản có thể sẽ gặp nhau ở mức lãi suất 8-9%.