Đại sứ Phạm Quang Vinh: Mỹ coi trọng vai trò chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Bài: Chi Lan; Thiết kế: Hương Xuân | 12:00 10/09/2023

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam thể hiện phía Mỹ kỳ vọng rằng kết quả mà 2 bên đạt được sẽ là rất tích cực.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Mỹ coi trọng vai trò chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
tit_01(1).png

Trong suốt 28 năm quan hệ Việt - Mỹ, việc tất cả các Tổng thống Mỹ, dù là người Dân chủ hay Cộng hoà, đều thăm Việt Nam. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Câu chuyện ở đây là khi các Tổng thống đến Việt Nam, họ đều có những quan điểm như sau:

Đầu tiên là 2 nước đều quý mến nhau, trong quan hệ đó có sự đan xen lợi ích. Và Việt Nam cũng hưởng lợi từ đó. Nếu chúng ta nhìn lại 28 năm quan hệ ngoại giao, thì rõ ràng 2 nước đã có sự phát triển vượt bậc. 

Điều này được thể hiện qua những con số về thương mại: khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao thì chưa được nửa tỷ USD, nhưng đến khi 2 nước thiết lập mối quan hệ toàn diện là 35 tỷ USD, tức là đã tăng đến 70 lần. Sau 10 năm đối tác toàn diện, thương mại 2 nước tăng lên hơn 123 tỷ USD. 

Những yếu tố này thể hiện rõ ràng rằng 2 bên đóng vai trò rất quan trọng với nhau về mặt kinh tế và thương mại.

Thứ hai là, nước Mỹ rất coi trọng khu châu Á - Thái Bình Dương. Đây là nơi được nhận định có vị trí chiến lược trong quá trình chuyển dịch kinh tế từ tây sang đông và là khu vực phát triển năng động nhất của thế giới, cũng là động lực tăng trưởng của cả thế giới. Qua đó, nước Mỹ cũng đánh giá rất cao vai trò của ASEAN, đặc biệt trong đó Việt Nam là nhân tố cực kỳ quan trọng.

Điểm thứ ba, là dư địa trong mối quan hệ này cũng còn rất nhiều. Bởi vậy, Mỹ muốn mở rộng mối quan hệ hơn nữa.

Tôi cho rằng, mỗi lần các Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam, họ đều đặt ra những khung phát triển, nhằm đạt được những bước tiến mới trong mối quan hệ. 

Ngoài ra, để được đánh giá cao như vậy, chính Việt Nam cũng là một nhân tố đang vươn lên rất mạnh mẽ. Việt Nam có sự đổi mới, phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ đến kinh doanh và theo đó Việt Nam cũng mới có sức cạnh tranh để thâm nhập thị trường Mỹ. 

1.png

Một điều nữa là, việc Việt Nam hội nhập và phát huy vai trò trong ASEAN và các khu vực trên thế giới thì mới tạo ra được vị trí chiến lược như vậy. Hơn nữa, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với các nước khác (trong đó có Mỹ). Khi kết nối được với các quốc gia khác để tạo ra được khuôn khổ đối ngoại thuận lợi cho cả các mối quan hệ đa phương, song phương, thì vai trò của Việt Nam với Mỹ cũng được nâng cao hơn. 

Ông nhận định thế nào về việc Tổng thống Biden đến Việt Nam ngay sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh G20?

Thực ra, lịch trình của Tổng thống Mỹ và Phó Tổng thống được sắp xếp rất “dày” trong các chương trình đối ngoại. Khó có thể bình luận về thời gian họ đến sự kiện này hay sự kiện khác. Nhưng rõ ràng, trong thời điểm diễn ra một loạt các hoạt động lớn đó lại có một chuyến thăm đến Việt Nam thì chính quyền Tổng thống Biden rất coi trọng mối quan hệ Việt - Mỹ.

Theo quan điểm của tôi, khi Mỹ đến Việt Nam, phía họ cũng nhận thấy rằng kết quả mà 2 bên đạt được sẽ là rất lớn. Tôi cũng tin vào tiềm năng đó, bởi từ đầu năm đến nay, khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 10 năm thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, rất nhiều cuộc tiếp xúc cho thấy 2 bên sẽ còn phát triển ở nhiều khía cạnh hơn nữa. 

Một trong số đó là cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Biden vào tháng 3 năm nay. Nội dung của cuộc trao đổi nhấn mạnh một số điểm như quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian qua đã phát triển rất tích cực, quan hệ giữa 2 nước tiến triển cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân 2 nước và nhiều lĩnh vực 2 bên có thể hợp tác hơn nữa, đặc biệt là tận dụng sự sáng tạo, khoa học để phát triển kinh tế và thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. 

Tôi nghĩ rằng, việc Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ đặt ra những lịch trình như vậy thì đều thể hiện sự coi trọng của nước Mỹ với những nơi họ đến thăm, trong đó có Việt Nam. 

tit_03(1).png

Một trong những trọng tâm của chuyến thăm lần này là mục tiêu đạt được sự đột phá trong nhân lực chất lượng và hạ tầng công nghệ cao. Theo ông, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao như thế nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra?

Theo tôi, nước Mỹ đặt niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam, đánh giá cao sự bền vững của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Nhìn rộng hơn, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác cũng đang điều chỉnh, sắp xếp lại về chuỗi cung ứng. Lĩnh vực này vốn trải qua những đợt đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch, cạnh tranh địa chính trị và một số cuộc khủng hoảng. Hiện tại, họ phải đa dạng hóa nguồn cung để có thể ứng phó với những mối rủi ro tiềm tàng nếu chỉ tập trung sản xuất ở 1 địa điểm.

Trong sự dịch chuyển đó, có một số lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến an ninh kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Do đó, Mỹ muốn tìm đến những thị trường, địa điểm mà họ đánh giá là đáng tin cậy. Nếu họ lựa chọn Việt Nam, thì đó thực sự là một điều đáng mừng.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm này của Tổng thống Biden, có thể các cuộc thảo luận giữa 2 bên mới chỉ ở bước tạo động lực về kinh tế và chính trị cho sự phát triển đó. Điều này còn phụ thuộc vào việc liệu trong quá trình này, Việt Nam có thể tạo môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư, nhà sản xuất của Mỹ đặt chuỗi cung ứng, dây chuyền sản xuất của họ ở đây hay không. 

Chuyển đổi xanh cũng là một lĩnh vực quan trọng khác trong sự kiện lần này. Ông kỳ vọng thế nào với tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này?

Chắc chắn chuyển đổi xanh là một vấn đề quan trọng mà 2 bên sẽ trao đổi. Thứ nhất, trong thời gian vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã có sự hợp tác bước đầu về việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có hạ tầng xanh, tài chính xanh và chuyển đổi năng lượng.

Ngoài ra, Việt Nam đã có những cam kết lớn tại Hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh). Nếu thực hiện toàn bộ những cam kết đó thì Việt Nam có thể sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nước phát triển, trong đó có Mỹ.

2.png

Một điều nữa là, Mỹ và các đối tác phát triển của Việt Nam đã hình thành những liên minh để hỗ trợ chúng ta chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là về năng lượng. Bởi vậy, chúng ta càng thực hiện nghiêm túc các cam kết đó thì càng thuận lợi cho việc huy động nguồn vốn.

Nhìn chung, việc chúng ta vận động được nguồn tiền hay không còn phụ thuộc vào của 2 phía. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ liên quan đến môi trường mà còn là một ngành kinh tế mới, vì các nước lớn đều có nguồn tài chính dành cho các khoản đầu tư xanh. Các chuỗi cung ứng hiện tại cũng đặt ra những yêu cầu liên quan đến giảm khí phát thải, như châu Âu đã bắt đầu thực hiện. 

Tôi tin rằng, chuyển đổi xanh sẽ là yếu tố giúp thay đổi mạnh mẽ đối với bộ mặt kinh tế của cả Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới.

tit_05(1).png

Theo ông, chuyến thăm của Tổng thống Biden có phải là tiền đề để 2 nước thảo luận về một hiệp định thương mại tự do (FTA) không?

Trên thực tế, Việt Nam và Mỹ đến nay đã có 2 thoả thuận liên quan đến thương mại, đó là hiệp định song phương thương mại (BTA) và những cam kết của Mỹ khi Việt Nam gia nhập WTO. Suốt hơn 20 năm, 2 nước đã có rất nhiều sự đột phá và phát triển về mặt kinh tế thương mại, đầu tư. 

Rõ ràng rằng, nhu cầu khách quan ở đây là Việt Nam và Mỹ cần có một hiệp định thương mại. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì Mỹ vẫn chưa sẵn sàng ký bất kỳ hiệp định thương mại nào với các nước bên ngoài. Trong những năm qua, quốc gia này có sự phân cực về quan điểm với việc họ tham gia Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhìn chung không muốn cam kết nhiều hơn trong những thoả thuận thương mại với các quốc gia bên ngoài, kể cả song phương lẫn đa phương. 

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không thể thực hiện những đàm phán khác để tạo thuận lợi hơn cho kinh tế thương mại giữa 2 nước. Trong quá trình trao đổi, 2 nước cũng thường xuyên nói về việc dỡ bỏ những rào cản không cần thiết, kể cả về thuế quan hay phi thuế quan. 

3.png

Ngoài ra, chúng ta cũng đang tham gia đàm phán về khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ đề xướng cùng Việt Nam và 12 quốc gia khác, về các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, kinh tế xanh và minh bạch hoá. Nếu thực hiện được những điều này, chúng ta cũng có thể tiến tới sự hài hoà về mặt chính sách và các quy định giữa 2 bên, theo đó sẽ tạo sự thuận lợi sự hợp tác của 2 nước. 

Tôi nghĩ chắc chắn 2 bên sẽ đưa ra những cam kết để thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp cả 2 nước. Dù Việt Nam và Mỹ có đạt được thoả thuận thương mại sau chuyến thăm hay không, thì sắp tới các doanh nghiệp, tập đoàn của 2 nước sẽ có sự hợp tác nhiều hơn nữa. 

Để đạt được sự hợp tác đó, Việt Nam cần làm gì?

Để thu hút các nhà đầu tư, nhà sản xuất Mỹ đến Việt Nam cũng là một câu chuyện mà chúng ta cần suy nghĩ. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng được đánh giá là hấp dẫn. Tuy nhiên, để có thể “hấp thụ” sự chuyển dịch chuỗi cung ứng về công nghệ, chúng ta sẽ cần phải rà soát lại yêu cầu của các nhà đầu tư. 

Tôi đang nói đến chủ trương của Việt Nam là 3 đột phá về kinh tế. Đó là, chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực. Việt Nam cần sự đổi mới đối với những yếu tố này, tức là nâng cao năng lực sản xuất, điều kiện sẵn có để tạo điều kiện nhiều hơn cho môi trường kinh doanh. 

Trong khi đó, Việt Nam cũng còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy mạnh hơn sự hợp tác này, khi thương mại 2 chiều tăng gần 400% chỉ trong 10 năm, từ 35 tỷ USD lên hơn 123 tỷ USD. 

Ông kỳ vọng thế nào đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sau sự kiện này?

Tôi nhận thấy, đà phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian qua là cực kỳ mạnh mẽ, đặc biệt là trong suốt 10 năm đối tác toàn diện. Toàn bộ các khía cạnh, từ chính trị, đến hợp tác về kinh tế, thương mại đầu tư hay công nghệ, giáo dục đều có sự bứt phá lớn. Sự cải thiện mạnh mẽ còn được nhận thấy ở việc hợp tác an ninh quốc phòng, trong đó có khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Câu chuyện hợp tác song phương và đa phương cũng đều được thúc đẩy, tăng cường. 

Tất cả những điều này cho thấy rằng quan hệ Việt - Mỹ sau 28 năm phát triển quan hệ ngoại giao, đặc biệt là sau 10 năm đối tác toàn diện, đã có cả tính toàn diện cũng như chiến lược. Ngoài ra, năm 2023, trước chuyến thăm của Tổng thống Biden, 2 bên đã có rất nhiều cuộc trao đổi. Chắc chắn, sự kiện này, Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục kết nối mạnh mẽ hơn nữa, để phản ánh được cả tính chiến lược cũng như toàn diện trong mối quan hệ. 

Xin cảm ơn ông!


(0) Bình luận
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Mỹ coi trọng vai trò chiến lược của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO